Hệ thống pháo phản lực dẫn đường GMARS thế hệ mới là một tổ hợp MLRS hiện đại sử dụng khung gầm xe tải bánh lốp, được thiết lập để thay thế các hệ thống MARS 2 đã lỗi thời của Berlin (phiên bản M270 do Đức sản xuất theo giấy phép).
Người đứng đầu mảng phòng thủ tên lửa và phòng không của Lockheed Martin - ông Howard Bromberg đã cho biết thông tin này trong cuộc phỏng vấn với tờ Defense News, giải thích rằng vũ khí này kết hợp khung gầm Rheinmetall và bộ phận phóng của Lockheed Martin.
Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã cho thấy nhu cầu cải tiến pháo phản lực phóng loạt đối với quân đội các quốc gia châu Âu. Chủ đề trên đã được thảo luận rộng rãi tại Triển lãm Paris Air Show.
Đức đang xúc tiến quá trình hợp tác giữa Rheinmetall và Lockheed Martin để thay thế các hệ thống MARS 2 của họ. Một số tổ hợp này đã được trao cho Ukraine vào năm ngoái, trong khi những hệ thống còn lại đã cũ.
Vào tháng 4/2023, một biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa hai tập đoàn. Đức đặt mục tiêu nhanh chóng thay thế các hệ thống đã mang đi viện trợ, sau đó tập trung phát triển lực lượng pháo binh tên lửa hiện đại hóa.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức khẳng đinhh:"Việc chuẩn bị thay thế pháo phản lực đang được tiến hành". Giải pháp GMARS do Lockheed và Rheinmetall đề xuất có thể so sánh với HIMARS nhưng lớn hơn và có hỏa lực gấp đôi.
Chữ "G" trong GMARS là viết tắt của Germany - biểu thị vũ khí trên dành cho Đức, và hệ thống này sử dụng khung gầm lớn hơn với khả năng mang hai bệ phóng tên lửa.
Khả năng MLRS đặc biệt sẽ được đặt trên khung gầm dòng xe tải HX 8x8 của tập đoàn Rheinmetall.
"Chiếc xe có chiều dài ấn tượng 12 mét, mặc dù kích thước của nó vẫn có thể thay đổi. Để so sánh, một chiếc xe tải của HIMARS chỉ dài 7 mét", đại diện tập đoàn Rheinmetall mô tả hôm 23/6.
“Đây là liên doanh đầu tiên của chúng tôi tại châu Âu”, ông Bromberg hào hứng nói và cho biết thêm: “Chúng tôi đang giới thiệu một phiên bản pháo phản lực do châu Âu sản xuất mà chắc chắn nó sẽ thu hút sự chú ý từ nhiều khách hàng tiềm năng”.
Các thành phần của hệ thống sẽ cần sự hợp tác quốc tế, trong đó nguồn cung từ Mỹ là đặc biệt quan trọng. Quá trình mua sắm sẽ tuân theo Chương trình bán hàng quân sự nước ngoài của Mỹ và các giao dịch thương mại trực tiếp, bao gồm cả xe tải của Rheinmetall.
Lockheed Martin và Rheinmetall đang thảo luận với nhà sản xuất Đức Diehl để nội địa hóa sản xuất. Các cuộc thảo luận trong ngành hiện đang xem xét việc sản xuất hoặc lắp ráp tên lửa ở châu Âu.
Rheinmetall đang xem xét cung cấp động cơ tên lửa và Diehl có thể góp phần sản xuất đầu đạn với các bộ phận của Lockheed Martin.
Với hợp đồng được ký kết, 5 hệ thống GMARS đầu tiên có thể được chuyển giao để thử nghiệm vào năm 2025. Nếu Đức muốn mở rộng khả năng pháo binh của mình, nước này có thể mua HIMARS trực tiếp từ Mỹ như một giải pháp tạm thời.