Pháp: 186 người tử vong và 3.176 người mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ
Tối 23-3, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết, lệnh hạn chế di chuyển có thể kéo dài thêm vài tuần nữa cùng việc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn, ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19. Cùng ngày, Pháp xác nhận thêm 186 trường hợp tử vong và 3.176 trường hợp nhiễm virus corona trong 24 giờ qua.
Phát biểu trên kênh truyền hình TF1, Thủ tướng Pháp thông báo, do tình hình dịch bệnh tiếp diễn phức tạp, kể từ ngày 24-3, các biện pháp hạn chế di chuyển sẽ nghiêm ngặt hơn. Theo đó, bất kỳ ai ra khỏi nhà vì mục đích tập thể dục chỉ được di chuyển trong bán kính 1km với thời gian tối đa 1 giờ và 1 lần/ngày. Các chợ ngoài trời cũng bị cấm do có đông người và không bảo đảm khoảng cách tránh lây nhiễm, nhưng chính quyền địa phương có thể căn cứ nhu cầu của người dân, bảo đảm việc cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu.
Thủ tướng Pháp khẳng định, từ ngày 24-3, mọi người ở Pháp buộc phải thay đổi hẳn thói quen sinh hoạt như trước vì bệnh dịch ngày càng nghiêm trọng. Chính phủ sẽ quyết định thời hạn lệnh hạn chế đi lại, có thể kéo dài một vài tuần nữa. Đề cập đến nguồn cung cấp khẩu trang phòng dịch bệnh, Thủ tướng Edouard Philippe cho biết, ưu tiên hiện vẫn dành cho các nhân viên y tế và Chính phủ sẽ huy động số lượng lớn trong vài tuần tới, đáp ứng nhu cầu sử dụng ở mức cao nhất. Vì vậy, người dân phải tuân thủ triệt để các biện pháp chống dịch bệnh lây lan, ra khỏi nhà đúng mục đích đã quy định.
Ông Edouard Philippe cũng cho biết, Chính phủ chưa quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa cả nước nhưng các địa phương có thể quyết định tùy theo tình hình cụ thể. Do có nhiều người không tuân thủ triệt để lệnh hạn chế di chuyển, nhất là vào dịp cuối tuần vừa qua, một số thành phố ở Pháp đã ban hành lệnh giới nghiêm, như Mulhouse ở phía đông, Nice và Perpignan ở phía nam, Charleville-Mézìeres ở phía bắc.
Trong cuộc họp báo, tối 23-3, về tình hình bệnh dịch, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết, có thêm 186 người tử vong và 3.176 người nhiễm mới được xác nhận kể từ ngày 22-3. Tổng số người tử vong và nhiễm bệnh ở Pháp đã lên tới 860 và 19.856. Có 8.675 người được điều trị trong bệnh viện, trong đó có 1.435 trường hợp được chăm sóc đặt biệt. Thống kê mới nhất cho thấy, số người nhiễm thực tế ở Pháp có thể còn cao hơn nhiều, thậm chí lên tới 40-50 nghìn ca, như ước tính của các bác sĩ tham gia chống dịch bệnh.
Bộ trưởng Olivier Véran nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh hiện nay ở Pháp rất nghiêm trọng, có 5 bác sĩ đã tử vong vì nhiễm virus corona. Hệ thống y tế của Pháp đang tăng cường xét nghiệm, sớm phát hiện những người đã bị nhiễm bệnh. Về việc sử dụng thuốc chống sốt rét chloroquine, Bộ trưởng Y tế cho rằng, chỉ sử dụng trong trường hợp bệnh nghiêm trọng và phải có sự giám sát y tế nghiêm ngặt.
Hiện, Pháp vẫn chưa thể thực hiện xét nghiệm trên diện rộng so với một số nước khác ở châu Âu như Đức. Chỉ có khoảng 8.000 xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày so với 160.000 ở Đức. Theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học Pháp Jean-Claude Delfraissy, hiện chưa có đủ phương tiện và nhân lực tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn, dù chi phí không lớn.
Theo thông báo của Bộ trưởng Giáo dục Pháp, các trường học ở Pháp có thể phải đóng cửa cho tới ngày 4-5. Lý do là bệnh dịch chưa có chiều hướng suy giảm và Chính phủ có thể sẽ ban hành thêm các biện pháp ngăn chặn sự lây lan.
Ngày 23-3, Nghị viện châu Âu đã thông báo về trường hợp tử vong đầu tiên do virus corona xảy ra ở các thể chế của EU. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề nghị các nước EU có biện pháp giảm thời gian kiểm soát biên giới để giải quyết tình trạng ùn tắc trầm trọng cho xe tải chở hàng. Theo đó, bà Ursula von der Leyen đề nghị, các nước xem xét thời gian chờ của mỗi xe tải chỉ tối đa 15 phút, tránh rủi ro và sự cố cho chuỗi cung ứng các loại hàng hóa trong khu vực. Bà cũng đề nghị các nước giảm thủ tục kiểm tra, có tính đến tình huống đặc biệt hiện nay, dỡ bỏ các hạn chế vận chuyển trong đêm hoặc vào cuối tuần.
Tình hình dịch bệnh tại Italy vẫn còn nghiêm trọng nhưng số người tử vong và nhiễm mới được phát hiện giảm so với mấy ngày trước. Tuy nhiên, chính quyền nước này vẫn lo ngại nguy cơ lây lan rộng ở các vùng phía nam, nhiều người đã di chuyển từ ở các ổ dịch ở phía bắc và hiện ra đường rất đông.
Thống kê ở Tây Ban Nha cho thấy, bệnh dịch ngày càng diễn biến phức tạp sau hai tuần thực thi lệnh phong tỏa. Tỷ lệ tử vong tăng 27% so một ngày trước. Tổng số tử vong hiện đã vượt quá 2.000 người và có thêm 4.321 ca nhiễm mới. Bộ Y tế Tây Ban Nha lo ngại, tình hình có thể còn xấu hơn vì dịch chưa đạt đỉnh.
Cùng với việc thông qua gói ngân sách hỗ trợ kinh tế lên tới 156 tỷ euro để ứng phó tác động của bệnh dịch, Chính phủ Đức đã nỗ lực đưa khoảng 120 nghìn công dân về nước. Số người nhiễm dịch và tử vong ở nước này là 29.056 và 118. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cảnh báo, GDP của nước này có thể giảm tới 5%, tương tương hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Trước khi xảy ra khủng hoảng bệnh dịch, mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế hàng đầu châu Âu được dự báo là 1,1% trong năm 2020.
Số người nhiễm và tử vong ở các nước khác trong khu vực EU chưa có dấu hiệu đi xuống và có nguy cơ tăng nhiều trong 1-2 tuần nữa. Văn phòng Y tế Liên bang Thụy Sĩ, nước có số người nhiễm cao thứ 5 ở EU, cho rằng số ca nhiễm bệnh sẽ tăng cao trong những ngày tới. Lý do là rất nhiều người có thể đã nhiễm bệnh trước khi các biện pháp hạn chế di chuyển được đưa ra.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã ra sắc lệnh phong tỏa cả nước trong thời gian ít nhất là ba tuần nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, làm 335 người tử vong và 6.650 người nhiễm. Theo đó, người dân ở nước này chỉ được ra khỏi nhà để đi làm, mua đồ dùng thiết yếu, đi khám chữa bệnh hoặc tập thể dục 1 lần/ngày. Chính phủ Anh cũng ra lệnh đóng tất cả cửa hàng, trừ những nơi cung cấp hàng thiết yếu và cấm tụ tập quá hai nguời.
KHẢI HOÀN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp