Pháp bầu cử quốc hội, Tổng thống Macron vào thế 'vịt què'
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lâm vào thế 'vịt què', sẽ khó khăn khi ông theo đuổi chương trình nghị sự nhiệm kỳ hai, sau khi liên minh cầm quyền của mất thế đa số trong quốc hội.
Hãng AFP hôm 19-6 đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lâm vào thế "vịt què" sau khi liên minh cầm quyền của mất thế đa số trong quốc hội. Cụm từ "vịt què" thường hay được dùng khi nói về chính trị đặc biệt ở Mỹ, chỉ tình thế một tổng thống đương nhiệm cầm quyền trong khi lưỡng viện quốc hội do các đảng đối lập kiểm soát.
Sau cuộc bầu cử quốc hội Pháp, nhiều ghế rơi vào tay liên minh cánh tả mới thành lập và cánh hữu. Điều này giáng một đòn nặng nề vào kế hoạch cải tổ lớn của ông Macron trong nhiệm kỳ thứ hai.
Liên minh “Together” của ông Macron vẫn trở thành đảng lớn nhất trong quốc hội khóa tới với 234 ghế, theo kết quả của Bộ Nội vụ dựa trên 97% số phiếu bầu đã được kiểm. Tuy nhiên để giành được thế đa số tuyệt đối, liên minh của Tổng thống Macron phải cần ít nhất 289 ghế trong tổng số 577 ghế tại quốc hội.
Liên minh cánh tả mới thành lập NUPES do ông Jean-Luc Melenchon lãnh đạo giành được 124 ghế. Liên minh tập hợp những người theo chủ nghĩa xã hội, cực tả, cộng sản và đảng xanh được thành lập vào tháng 5 sau khi cánh tả chia rẽ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4.
Trong khi đó, đảng National Rally của cựu ứng viên tổng thống Pháp, bà Marine Le Pen, giành được 89 ghế, gấp 10 lần so với cuộc bầu cử quốc hội trước đó vào năm 2017.
Kết quả của cuộc bầu cử quốc hội Pháp đã đẩy chính trường nước này rơi vào tình trạng bất ổn, làm dấy lên viễn cảnh về một cơ quan lập pháp bị tê liệt hoặc các liên minh lộn xộn với việc ông Macron buộc phải tiếp cận với các đồng minh mới.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne nhận định: “Tình hình này đặt ra nguy cơ cho đất nước trong bối cảnh chúng ta đang đối đầu với những thách thức. Từ ngày mai, chúng tôi sẽ phải làm việc để xây dựng nên phe đa số".
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gọi kết quả này là một “cú sốc dân chủ” và nói thêm rằng nếu các đảng khác không hợp tác, “điều này sẽ cản trở năng lực của chúng ta trong việc cải cách và bảo vệ người Pháp”.
Với kết quả trên, ông Macron và đồng minh hiện đang phải quyết định nên tìm kiếm một liên minh với đảng bảo thủ Les Republicains (hiện đang ở vị trí thứ tư với 61 ghế) để tạo thế đa số tuyệt đối hay điều hành một chính phủ thiểu số sẽ phải đàm phán các dự luật với các đảng khác trong từng trường hợp cụ thể, theo hãng tin Reuters.
“Có những người theo chủ nghĩa xã hội ôn hòa và có những người cực hữu, có lẽ, về luật pháp, sẽ đứng về phía chúng tôi” - người phát ngôn chính phủ Pháp Olivia Gregoire cho biết.
Nền tảng chính trị của Les Republicains tương đồng với liên minh “Together" của ông Macron hơn các đảng khác. Cả hai có cơ hội đạt đa số tuyệt đối trong kết quả cuối cùng nếu liên minh với nhau.
Tuy nhiên, lãnh đạo Christian Jacob của đảng Les Republicains khẳng định đảng của ông vẫn ở phe đối lập nhưng mang “tính xây dựng", cũng như đề xuất các thỏa thuận theo từng trường hợp chứ không phải là một hiệp ước liên minh.
Trong viễn cảnh thiếu vắng một liên minh chính thức, chính phủ thiểu số sẽ cần phải dựa vào sự ủng hộ của các đảng đối lập trên từng dự luật. Điều này đòi hỏi các cuộc đàm phán lâu dài trước khi mỗi dự luật được đưa ra biểu quyết.
Ở giải pháp cuối cùng, nếu quốc hội vẫn bế tắc và không thể thành lập một chính phủ ổn định, Tổng thống Macron có một lựa chọn khác là giải tán quốc hội và triệu tập các cuộc bầu cử mới.
Trong lịch sử Đệ ngũ cộng hòa Pháp, chỉ có một lần một tổng thống điều hành một chính phủ thiểu số và phải đàm phán các thỏa thuận dựa trên từng dự luật cụ thể. Vào năm 1988, Tổng thống Francois Mitterrand thuộc đảng Xã hội Pháp không đảm bảo được đa số tuyệt đối trong quốc hội và trong suốt năm năm tiếp theo đã phải tìm kiếm các thỏa hiệp với các đảng khác, đôi khi với phe trung hữu, đôi khi với đảng Cộng sản.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-bau-cu-quoc-hoi-tong-thong-macron-vao-the-vit-que-post685346.html