Pháp bị chỉ trích bởi không cho hai nước Balkan đàm phán gia nhập EU
Nhiều quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích Pháp phạm sai lầm khi từ chối cho Bắc Macedonia và Albania khởi động đàm phán gia nhập khối này.
Bắc Macedonia, Albania, Bosnia, Kosovo, Montenegro, Serbia đang cố gắng tham gia khối thương mại lớn nhất thế giới. Nhưng mặc cho 28 thành viên EU xem đây là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại không muốn bắt đầu hoạt động đàm phán về chuyện để Bắc Macedonia và Albania gia nhập.
Ông Macron tuyên bố rằng đàm phán chỉ có thể bắt đầu sau khi EU thay đổi. Nhà lãnh đạo Paris đánh giá Liên minh châu Âu lúc này không đủ sức đương đầu với những thách thức đang tồn tại hay xử lý khủng hoảng tài chính, nói chi đến việc kết nạp thêm hai quốc gia Balkan.
“Chúng ta cần một EU cải cách, một quá trình gia tăng thành viên cải cách, một sự tín nhiệm thực sự lẫn một tầm nhìn chiến lược xác định rõ chúng ta là ai và có vai trò gì”, theo Tổng thống Macron.
Quyết định của Tổng thống Macron khiến các nhà lãnh đạo thất vọng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đều gọi đây là sai lầm lịch sử. Thủ tướng Đức Angela Merkel hy vọng EU tái xem xét chuyện để Bắc Macedonia và Albania gia nhập trong cuộc họp thượng đỉnh năm tới.
Bên ngoài EU, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tỏ ý thấy vọng vì đàm phán kết nạp thành viên mới không được khởi động.
Sau khi Croatia gia nhập năm 2013, Ủy ban châu Âu muốn các quốc gia Balkan khác cũng trở thành thành viên EU nhằm ngăn chặn khu vực này rơi vào tầm ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc.
Bắc Macedonia vừa giải quyết ổn thỏa vấn đề tên nước với Hy Lạp. Chính quyền Skopje thời gian qua rất tích cực xúc tiến kế hoạch gia nhập EU và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thủ tướng Đức Merkel ủng hộ chuyện kết nạp các quốc gia Balkan: “Đưa họ vào EU có lợi cho chúng ta. Bạn sẽ thấy họ quan trọng thế nào nếu nhìn vào bản đồ”. Trong khi đó, Tổng thống Macron lại cho rằng trước mắt chỉ nên tăng cường hỗ trợ bằng đầu tư và đẩy mạnh giao lưu văn hóa.
Cẩm Bình (theo Reuters)