Pháp cấm dùng đồ đựng một lần, người dùng chật vật làm quen với bát sứ và cốc thủy tinh

Quy định mới cấm các cửa hàng thức ăn nhanh dùng đồ đựng một lần, kể cả bằng giấy cũng như nhựa.

Một đạo luật được thông qua vào năm 2020 tại Pháp sẽ cấm sử dụng hộp, đĩa và cốc dùng một lần trong các nhà hàng thức ăn nhanh từ ngày 1/1/2023. Quy định này sẽ cấm sử dụng không chỉ hộp nhựa mà cả hộp giấy, khiến việc đựng thức ăn sẽ chuyển sang sử dụng các vật liệu như gốm, nhựa và thủy tinh.

Đây là quy định về chống lãng phí và kinh tế tuần hoàn, được ban hành vào tháng 2 năm 2020, thường được gọi là Luật Kinh tế Tuần hoàn. Luật này áp dụng các chỉ thị của Liên minh Châu Âu về bãi chôn lấp, chất thải đóng gói và các sản phẩm nhựa, đặt ra các quy định nghiêm ngặt về chất thải và các mục tiêu tái chế.

Luật Kinh tế Tuần hoàn đặt mục tiêu tái chế 100% nhựa vào ngày 1/1/2025 và từ năm 2020, cốc, ly, đĩa và tăm bông bằng nhựa sẽ bị cấm. Ngoài ra, từ năm 2021, ống hút, dao kéo nhựa, nắp cốc mang đi, hộp và chai xốp polystyrene… cũng sẽ bị cấm. Từ năm 2022, túi trà, bao bì rau và trái cây, phụ kiện đồ chơi và bao bì nhựa cho báo và tạp chí cũng sẽ bị cấm.

Châu Âu đang quyết tâm loại bỏ rác thải nhựa.

Châu Âu đang quyết tâm loại bỏ rác thải nhựa.

Do đó từ tháng 1 năm 2023 tới đây, các cửa hàng thức ăn nhanh sẽ bắt buộc phải sử dụng cốc, ly và dao kéo có thể tái sử dụng cho các bộ đồ ăn trong bữa ăn. "Tái sử dụng" ở đây không có nghĩa là "có thể tái chế", mà nó có nghĩa là "có thể được tái sử dụng bằng cách rửa và lau" như gốm sứ và bát đĩa kim loại. Do đó, không chỉ sử dụng đồ nhựa mà cả cốc, đĩa giấy cũng bị loại bỏ.

Khoảng 30.000 cửa hàng thức ăn nhanh ở Pháp phục vụ sáu tỷ bữa ăn mỗi năm, tạo ra khoảng 180.000 tấn chất thải. Và trong nhiều tháng qua, các nhà hàng ở Pháp đã chuẩn bị để thực hiện quy tắc có hiệu lực vào ngày 1/1 tới đây.

Một số chuỗi cửa hàng ăn nhanh như McDonald's ở Pháp đã bắt đầu đưa vào sử dụng hộp đựng khoai tây bằng nhựa, sứ và cốc thủy tinh để đựng đồ uống để khách hàng có thể bắt đầu làm quen.

Việc sử dụng giấy được cho phép như một ngoại lệ đối với giấy gói để bọc bánh mì kẹp thịt. Tuy nhiên, chỉ những vật liệu có tỷ lệ tái chế cao mới được chấp nhận.

Một số cửa hàng đã bắt đầu chuyển đổi để khách hàng quen với quy định mới.

Một số cửa hàng đã bắt đầu chuyển đổi để khách hàng quen với quy định mới.

Trong khi đó, Hiệp hội Giấy và Bao bì Châu Âu (EPPA), đã đưa ra tuyên bố rằng bao bì giấy sử dụng một lần có tỷ lệ tái chế 82%. Tổ chức này, cho rằng việc sản xuất và rửa các đồ lâu bền tiêu tốn nhiều năng lượng và nước hơn, cáo buộc rằng điều đó trái với mục tiêu bảo vệ môi trường.

Tại một số nhà hàng, khách hàng còn giấu để mang cốc về nhà mà không xin phép, hay vứt đĩa và dao nĩa vào thùng rác mà không trả lại. Subway, một chuỗi cửa hàng bánh sandwich, cho biết sau nhiều tháng thử nghiệm, họ đã cho biết phải tìm cách thúc đẩy các hoạt động giáo dục cho công chúng, chẳng hạn như làm áp phích để có thể khiến khách hàng nhận thức rõ hơn rằng bộ đồ ăn có thể tái sử dụng.

Maria Valera, quản lý của McDonald's ở khu vực ngoại ô Paris, nói: "Chúng tôi cần thuê thêm người để giải thích rằng dao và nĩa không phải là rác, và chúng tôi cần mua thêm một máy rửa chén."

Cô cũng nói rằng nhà bếp phải được sửa sang lại để đáp ứng các yêu cầu mới. Do đó, một loạt các quy định sẽ áp đặt và làm tăng chi phí đáng kể cho các nhà hàng thức ăn nhanh.

Còn theo Moira Turner từ tổ chức phi lợi nhuận "Zero Waste France" lại cho rằng dù chưa hoàn thiện ban đầu, nhưng các biện pháp này là hướng đi đúng đắn: “Đó là một biện pháp mang tính biểu tượng, rằng nếu luật được thực thi đúng đắn, mọi người sẽ thấy những thay đổi rất cụ thể. Không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta đang hành động đúng hướng”.

Tham khảo france24, Gigazine

Bảo Nam

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phap-cam-dung-do-dung-mot-lan-nguoi-dung-chat-vat-lam-quen-voi-bat-su-va-coc-thuy-tinh-20221222111223538.htm