Pháp cấm sử dụng bao bì nhựa cho trái cây và rau củ
Việc đưa ra quy định này là một phần trong kế hoạch của chính phủ Pháp hướng đến mục tiêu cắt giảm tối đa lượng rác thải nhựa trong cuộc sống hàng ngày.
Mới đây, Bộ trưởng Môi trường Pháp cho biết nước này sẽ cấm sử dụng bao bì nhựa đối với đa số các loại trái cây và rau củ từ tháng 1/2022.
Áp dụng luật có từ tháng 2/2020, chính phủ nước này đã công bố danh sách khoảng 30 loại trái cây và rau củ sẽ được bán mà không sử dụng bao bì nhựa kể từ tháng 1/2022. Danh sách bao gồm một số loại như tỏi tây, cà chua, táo, chuối, cam...
Bộ trưởng Môi trường Pháp chia sẻ trong tuyên bố: "Chúng ta đang sử dụng lượng lớn nhựa dùng một lần trong cuộc sống hàng ngày".
Theo ước tính, khoảng 37% trái cây, rau quả được bán trong bao bì nhựa. Giới chức hy vọng quy định này sẽ giảm tỷ lệ bao bì nhựa dùng một lần mỗi năm.
Chủ tịch Liên đoàn người bán trái cây Pháp Francois Roch cho biết việc chuyển đổi từ túi nhựa sang túi giấy hoặc bìa cứng sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian.
Lệnh cấm bao bì nhựa là một phần trong chương trình do chính phủ Pháp thực hiện nhằm loại bỏ dần đồ nhựa. Từ năm 2021, Pháp đã cấm sử dụng ống hút, cốc, dao, kéo bằng nhựa cũng như hộp xốp đựng thức ăn mang đi.
Hiện việc bán trái cây cắt nhỏ và một số loại quả dễ hư hỏng đóng gói bằng bao bì nhựa vẫn được phép. Tuy nhiên, việc này sẽ dần bị loại bỏ vào cuối tháng 6/2026.
Bao bì nhựa sẽ bị cấm vào cuối tháng 6/2023 đối với cà chua bi, đậu xanh, đào. Đến cuối năm 2024, rau diếp, măng tây, nấm và một số món salad và rau gia vị cũng không phép đóng gói bằng bao bì nhựa.
Từ cuối tháng 6/2026, mâm xôi, măng tây và các loại quả mọng nước khác sẽ chỉ được bán khi không có hộp nhựa.
Từ năm 2022, các khu vực công cộng ở Pháp phải lắp đặt vòi nước để giảm thiểu việc sử dụng chai nhựa. Ấn phẩm báo chí và quảng cáo chỉ được vận chuyển khi không có bao bì nhựa. Các nhà hàng phục vụ đồ ăn nhanh cũng không cung cấp miễn phí dụng cụ ăn uống bằng nhựa cho thực khách.
Từ tháng 1/2023, Pháp sẽ cấm các loại dụng cụ ăn uống dùng một lần để phục vụ ăn tại chỗ trong các nhà hàng đồ ăn nhanh.