Bước đi nói trên đã được báo chí Pháp đăng tải sau khi trích dẫn lời phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao nước này - ông Jean-Yves Le Drian.
Ngoại trưởng Pháp khẳng định việc Australia chấm dứt hợp đồng với họ và ký kết thỏa thuận quốc phòng ba bên Washington, London và Canberra - AUKUS sẽ gây ảnh hưởng lớn đến NATO.
"Theo sáng kiến của Tổng thống Emmanuel Macron, những cuộc thảo luận đã bắt đầu về một khái niệm chiến lược mới cho Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương”.
“Những cuộc hội đàm sẽ được thực hiện trong Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra tại Madrid, tuy vậy rõ ràng những gì vừa xảy ra sẽ ảnh hưởng đến bản kế hoạch này", ông Le Drian khẳng định.
Nếu trước đó chỉ có các đại biểu quốc hội Pháp và một vài ứng viên tổng thống đe dọa NATO về hậu quả - bị nhận xét như một hình thức chạy đua tranh cử, thì những lời của Ngoại trưởng Le Drian đã nói lên tính chất nghiêm trọng của tình hình.
Điển hình là ông Jean Luc Melanchon - nghị sĩ đồng thời là ứng viên Tổng thống thuộc phe Xã hội đã đưa ra phát ngôn rất cứng rắn, được xem như “phát súng mở đầu” cho hành động của Pháp:
"Paris cần phải ngừng ảo tưởng, nên rút khỏi NATO và đình chỉ việc thành lập Trung tâm An ninh vũ trụ của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, cơ sở mà Washington muốn đặt ở Toulouse (dự kiến hoàn thành vào năm 2022)", ông Melanchon nói rõ.
Theo giới phân tích, Paris thực sự cảm thấy mình "bị lừa dối bởi đồng minh". Đây không phải là những bất đồng đơn giản giữa những đối tác mà thực chất là một cuộc khủng hoảng vô cùng đau đớn trong mối quan hệ.
Hiện tại, báo chí quốc tế biết rằng Australia đang gấp rút trang bị lại cho hải quân của mình, họ có khả năng thuê các tàu ngầm hạt nhân hiện có, hoặc đóng mới theo công nghệ của Mỹ hoặc Anh trong tương lai gần.
Điều này được Bộ trưởng Quốc phòng Australia - ông Peter Dutton công bố vào ngày 19/9/2021 trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Sky News Australia.
Theo ông Dutton, Canberra muốn bắt đầu tái trang bị mà không cần đợi đến khi hạ thủy chiếc tàu ngầm hạt nhân đa năng đầu tiên, dự kiến tổng cộng 12 chiến hạm như vậy sẽ được đóng mới tại Adelaide.
Dự kiến chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Australia sẽ được khởi đóng vào năm 2036. Bộ trưởng Quốc phòng Dutton đã hội đàm với phía Mỹ và sẽ nói chuyện với người đồng cấp Anh trong tương lai gần.
Ông Dutton cũng bác bỏ suy đoán Australia cố tình đánh lừa Pháp về thỏa thuận giữa hai nước nhằm đóng 12 tàu ngầm diesel-điện Shortfin Barracuda Block 1A (phiên bản phi hạt nhân của tàu ngầm hạt nhân đa năng thuộc dự án Barracuda), được ký kết vào năm 2016.
Vị quan chức nhấn mạnh rằng nước này đã thông báo trung thực cho phía Pháp về những vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện hợp đồng, chủ yếu lỗi do phía Pháp tăng giá lên đến mức bất hợp lý và không sẵn sàng chuyển giao công nghệ.
"Trong số những thứ liên quan, chúng tôi công khai nói rằng sẽ phải hành động vì lợi ích quốc gia, có tính đến tình hình đang thay đổi ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Bộ trưởng Quốc phòng Australia Dutton khẳng định.
Việt Dũng