Pháp chia sẻ kinh nghiệm vận dụng sức mạnh mềm trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa
'Muốn phát triển sức mạnh mềm cần phải bám chắc vào văn hóa dân tộc chứ không chỉ đơn thuần dựa vào mô hình của Mỹ, Hàn Quốc...', Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Franck Bolgiani nhận định.
Chiều 8/4, tại Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) đã diễn ra Đối thoại “Sức mạnh mềm văn hóa”.
Chương trình có sự tham dự của ông Franck Bolgiani, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Trưởng VICAST; ông Frédéric Martel, nhà văn và giảng viên đại học ZHdK, Zurich cùng các học giả, nhà nghiên cứu tại VICAST và Viện Pháp tại Việt Nam.

Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Franck Bolgiani khẳng định, Pháp mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong việc thảo luận và đưa ra các biện pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo. (Ảnh: Hương Giang)
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Franck Bolgiani khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển sức mạnh mềm đối với mỗi quốc gia hiện nay.
Theo ông Franck Bolgiani, để làm được điều này, các nước không nên chỉ dựa vào mô hình của Mỹ, Hàn Quốc... mà cần phải bám chắc vào văn hóa dân tộc. Việc xác định rõ những hạn chế và lợi ích của sức mạnh mềm là điều thiết yếu nhằm gia tăng ảnh hưởng và uy tín của quốc gia trên thế giới, thu hút du khách và nhận thêm các dự án đầu tư để phát triển văn hóa và ý tưởng mới.
Ông Franck Bolgiani cũng nhấn mạnh, hai nước đã ký kết Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2028, do đó, Pháp mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong việc thảo luận và đưa ra các biện pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
Bàn về giải pháp giúp Việt Nam phát huy sức mạnh mềm trong thời đại hội nhập, ông Frédéric Martel, nhà văn và giảng viên Đại học ZHdK, Zurich, chỉ ra rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng trong khu vực.
Để thực hiện được điều này, cần có một chiến lược toàn diện, kết hợp vai trò của nhà nước trong việc xây dựng chính sách văn hóa, sự tham gia của thị trường và ngành công nghiệp văn hóa, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội dân sự.
Ngoài ra, việc đào tạo và phát triển nhân tài trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật tại các trường đại học cũng cần được ưu tiên.

Ông Frédéric Martel, nhà văn và giảng viên đại học ZHdK, Zurich, chỉ ra rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng trong khu vực. (Ảnh: Hương Giang)
Bên cạnh đó, ông Frédéric Martel cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên chú trọng xây dựng nguồn lực hỗ trợ nghệ sĩ để họ phát triển ý tưởng, đồng thời tận dụng các nền tảng công nghệ để quảng bá hình ảnh, văn hóa quốc gia.
Về phía VICAST, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đã chỉ ra một số điểm nghẽn trong việc phát triển sức mạnh mềm của Việt Nam và đề xuất các hướng đi mới. Theo bà Phương, mặc dù Việt Nam có dân số vàng và lao động trẻ, sản phẩm văn hóa nội địa vẫn thua kém hàng ngoại, bị lấn át bởi sản phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu sự kết hợp giữa tính sáng tạo, công nghệ, bản quyền và gặp rào cản chính sách nên chưa tạo ra những thương hiệu mạnh vươn tầm quốc tế. Sự thiếu liên kết giữa ngoại giao văn hóa, công nghiệp văn hóa và truyền thông làm giảm hiệu quả mục tiêu phát triển sức mạnh mềm.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chỉ ra một số điểm nghẽn trong việc phát triển sức mạnh mềm của Việt Nam và đề xuất các hướng đi mới. (Ảnh: Phương Thảo)
Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng gợi mở các giải pháp nhằm phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam trên trường quốc tế, bao gồm: Gia tăng các kênh ngoại giao văn hóa, tăng cường truyền thông chiến lược quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN)...
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, khi nói đến phát huy sức mạnh mềm văn hóa ở nội địa tức là khai thác văn hóa Việt Nam để lôi cuốn cộng đồng trong nước. Điều này đòi hỏi một môi trường khuyến khích sự sáng tạo, dựa trên những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Ví dụ, các họa tiết truyền thống của đồng bào dân tộc cần giao hòa giữa bảo tồn và bàn tay sáng tạo của các nhà thiết kế hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Hay sự phát triển của các chương trình âm nhạc như Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi minh chứng cho nỗ lực phát triển công nghiệp văn hóa để tạo sức hút nội địa. Đây ko chỉ là những sản phẩm giải trí mà còn truyền tải niềm tự hào và tình yêu văn hóa dân tộc, tạo ra dòng chảy văn hóa mạnh mẽ trong mỗi con người Việt Nam.

Toàn cảnh buổi đối thoại. (Ảnh: Hương Giang)
Ông Frédéric Martel cũng đưa ra lời khuyên cho Việt Nam trong việc phát huy bản sắc văn hóa mà không trở thành bản sao của các quốc gia Đông Nam Á khác, đó là cần tìm ra sự cân bằng giữa hội nhập và bảo tồn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tuân theo các quy tắc trao đổi quốc tế trong khi vẫn bảo vệ được giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, cần phải giữ gìn sự đa dạng trong bản sắc văn hóa trong âm nhạc, điện ảnh và nghệ thuật truyền thống.
Chuyên gia người Pháp khẳng định, chính phủ cần tránh phân chia quá hẹp và áp đặt khuôn khổ lên lĩnh vực văn hóa, đồng thời có các chính sách để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, cũng như các nghệ sĩ.
Bế mạc sự kiện, TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng VICAST đã tổng kết lại các điểm chính được thảo luận tại Đối thoại.