Pháp, Đức kêu gọi chính quyền Biden hợp tác đối phó với Trung Quốc
Các lãnh đạo EU hy vọng Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ hợp tác với châu Âu để cùng đối phó với Trung Quốc.
Trong một bài viết đăng tải trên Washington Post, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và người đồng cấp Đức Heiko Maas nhắn nhủ tới Tổng thống đắc cử Joe Biden về một "sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương" để đối phó với các quốc gia muốn tăng cường quyền lực bằng cách phá hoại trật tự quốc tế hoặc khu vực.
"Dưới thời chính quyền Biden, kim chỉ nam trong chính sách đối sách đối ngoại của Mỹ sẽ tiếp tục hướng về Trung Quốc, quốc gia mà chúng tôi coi là đối tác, đối thủ cạnh tranh và đồng thời là đối thủ mang tính hệ thống", các nhà ngoại giao nhấn mạnh trong bài viết.
Ông Le Drian và ông Maas cho rằng Mỹ và EU nên tham khảo ý kiến của nhau để điều phối cách tiếp cận của họ đối với Trung Quốc về nhân quyền, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và thương mại công bằng.
Hôm 16/11, ông Biden lặp lại các quan điểm này, nói rằng Washington sẽ hợp lực cùng các đồng minh để buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi thương mại bất bình đẳng.
Cả Mỹ và EU từ lâu đã phàn nàn về việc họ bị hạn chế tiếp cận vào thị trường ở Trung Quốc.
"Chúng ta cần phải liên kết với các nền dân chủ khác để có thể đặt ra các quy tắc thay vì để Trung Quốc và những nước khác quyết định kết quả", ông Biden khẳng định.
Trong khi ông Le Drian và người đồng cấp kêu gọi Mỹ tham vấn cho châu Âu, nhiều nhà ngoại giao khác muốn Washington dẫn đầu.
Tại một diễn đàn trực tuyến do Quỹ Marshall của Mỹ tổ chức, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide khẳng định "cần có sự lãnh đạo và cam kết mạnh mẽ của Mỹ".
Giống như những người đồng cấp Pháp và Đức, bà Soreide gặp Ngoại trưởng Vương Nghị khi nhà ngoại giao Trung Quốc công du tới châu Âu cách đây vài tháng.
Nhưng khác với Pháp và Đức, Na Uy không phải là một phần của EU.
"Điều hết sức quan trọng là khi chúng ta tham gia vào một cuộc đối thoại xuyên Đại Tây Dương về vấn đề này, việc phát huy vai trò lãnh đạo của Mỹ đồng nghĩa với việc tham gia vào các khu vực có đồng minh hiện diện. Bằng cách đó, chúng ta có thể làm việc cùng nhau", bà Soreide cho hay.
Theo vị Ngoại trưởng Na Uy, “một trong những điều gây kinh ngạc” nhất trong chính sách của ông Trump là việc Washington đối đầu với Trung Quốc bằng cách rút khỏi các quan hệ hợp tác quốc tế.
“Điều này tạo khoảng trống để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng nhiều hơn nữa và điền vào chỗ trống đó”, bà Soreide nhận định
Theo SCMP, những bất đồng giữa Washington và Brussels có thể là trở ngại cho bất cứ chính sách chung nào về Trung Quốc.
Chiến thắng của ông Biden được hoan nghênh ở hầu hết các nước châu Âu và giới chính khách lục địa già tin tưởng ông sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Nhưng vẫn có những sự thận trọng nhất định.
Bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer rằng châu Âu phải phụ thuộc vào sự bảo vệ của quân đội Mỹ trong tương lai gần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói lục địa già nên bớt phụ thuộc vào Washington.
“Mỹ chỉ tôn trọng chúng ta với tư cách là đồng minh nếu chúng ta nghiêm túc với lập trường của mình và nếu chúng ta có chiến lược quốc phòng độc lập của riêng mình”, ông Macron nói.
Nhà lãnh đạo Pháp khẳng định các giá trị của Mỹ và châu Âu quan tâm khác nhau, giá trị quan cũng khác nhau và cũng có thể lợi ích hai bên không phù hợp với nhau.