Pháp gọi thỏa thuận mua tàu ngầm Mỹ của Australia là 'cú đâm sau lưng'
Pháp bày tỏ sự giận dữ trước việc Australia hủy bỏ thỏa thuận với nước này để mua tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ. Động thái của Australia còn bị coi là 'cú đâm sau lưng' đối với Pháp.
“Đây thật sự là cú đâm sau lưng. Chúng ta đã thiết lập được mối quan hệ tin tưởng với Australia nhưng niềm tin ấy bị phản bội”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 16/9 nói với đài France Info.
Ngoại trưởng Pháp đưa ra nhận định trên sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố liên minh quân sự mới có tên Aukus. Sự ra đời của liên minh này cũng chấm dứt hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá khoảng 65 tỷ USD mà Pháp ký với Australia từ năm 2016.
Theo Guardian, đây là một bước lùi đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, không chỉ trên phương diện tài chính mà còn trên mặt ngoại giao. Quan chức ngoại giao từ Paris đã nỗ lực trong nhiều năm để giữ vững quan hệ đối tác với Australia và tăng cường hiện diện chiến lược tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngày 17/9, Thủ tướng Morrison khẳng định đã đề cập tới khả năng hủy hợp đồng mua tàu ngầm với tổng thống Pháp từ tháng 6.
“Tôi đã bày tỏ rõ, khi ấy chúng tôi đã dùng bữa tối rất lâu tại Paris, rằng chúng tôi rất lo ngại về năng lực của loại tàu ngầm thông thường trước hoàn cảnh chiến lược mới mà chúng tôi phải đối diện”, ông Morrison nói với đài 5aa Radio. “Tôi nói rất rõ rằng đây là vấn đề Australia sẽ cần phải quyết định theo lợi ích quốc gia”.
Tuy nhiên, phía Pháp phủ nhận điều này, theo Reuters.
Pháp có hai lãnh thổ hải ngoại ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là French Polynesian và New Caledonia. Pháp cũng là quốc gia châu Âu duy nhất có sự hiện diện trong khu vực này, với gần 2 triệu công dân và hơn 7.000 binh sĩ.
Một quan chức Pháp cho biết một số cuộc trao đổi cấp bộ trưởng về chủ đề này đã diễn ra vào ngày 16/9 giữa Pháp và Australia, cũng như giữa Pháp và Mỹ, theo Guardian.
“Ngày hôm nay tôi rất tức giận và cay đắng… Đây không phải thứ mà đồng minh sẽ làm với nhau”, Ngoại trưởng Le Drian nói. “Quyết định đơn phương, bất ngờ, và không thể lường trước như vậy rất giống hành động của cựu Tổng thống Trump”.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly coi quyết định của Australia “là tin tức rất tồi tệ về việc giữ lời hứa”. Bà Parly cũng cho biết Pháp “đã nhìn rõ cách Mỹ đối xử với đồng minh”.
Để xoa dịu Pháp, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Pháp là “đối tác và đồng minh then chốt” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Anh cũng cho hay mình không tìm cách chống lại Pháp, quốc gia vốn có quan hệ hợp tác quốc phòng then chốt với Anh.
“Chúng tôi không đi săn lùng những cơ hội như vậy. Về cơ bản là phía Australia quyết định họ muốn một năng lực quân sự khác”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với Sky News. “Chúng tôi không có ý định làm điều gì để gây phật ý Pháp. Pháp nằm trong số những đồng minh quân sự thân cận nhất của chúng tôi tại châu Âu”.