Pháp hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường carbon và xây dựng nền tài chính xanh

'Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường carbon năng động, chất lượng và hiệu quả'. Đây là đánh giá của Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp Expertise France vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm đánh giá tiến độ thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về tăng cường năng lực xây dựng chính sách tài chính xanh.

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu. Việc xây dựng, vận hành và phát triển thị trường carbon trở thành công cụ ngày càng quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Chuyến công tác của nhóm chuyên gia Expertise France nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác được khởi động vào tháng 6/2023 với mục tiêu chung là góp phần tăng cường năng lực của Bộ Tài chính Việt Nam trong việc triển khai các quy định về tài chính công, xem xét các tiêu chí về môi trường và khí hậu trong phân tích chi tiêu công.

Giám đốc quốc gia của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam và nhóm chuyên gia của Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Expertise France

Giám đốc quốc gia của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam và nhóm chuyên gia của Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Expertise France

Đánh giá về tiến độ thực hiện dự án, ông Hervé Conan, Giám đốc quốc gia của Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam cho biết: “Cam kết của AFD trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác nói chung và lĩnh vực cụ thể này nhấn mạnh sự coi trọng Pháp đối với việc chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệp trong lĩnh vực thị trường carbon, thuế môi trường và trái phiếu xanh. Chúng tôi hi vọng những kinh nghiệm của mình sẽ giúp Việt Nam thực hiện thành công chiến lược quản lý tài chính công bền vững hướng tới tăng trưởng xanh. Để làm phong phú thêm khuôn khổ hợp tác này, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các chuyến công tác thực tế tại Pháp và châu Âu nhằm mục đích trang bị cho phía Việt Nam kiến thức, kỹ năng và mạng lưới cần thiết để thực hiện hiệu quả và nâng cao năng lực xây dựng nền tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế”.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (VGGS) vào ngày 25/9/2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (GGAP) vào ngày 20/3/2014. Các văn kiện này xác định các mục tiêu cụ thể để thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam về phát triển, tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, đảm bảo sự tăng trưởng toàn diện và bền vững. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đưa thị trường carbon vào vận hành thí điểm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028.

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (1997). Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán, cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Hiện nay, trên thế giới, giao dịch tín chỉ carbon được thực hiện trên 2 thị trường, đó là bắt buộc và tự nguyện.

Tại Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đã hoạt động được một thời gian nhưng chủ yếu là từ lĩnh vực lâm nghiệp (rừng) và Chính phủ đang hướng tới xây dựng thị trường carbon bắt buộc. Theo đó, việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính.

Theo Chuyên gia tư vấn cấp cao Patrick Criqui, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc xây dựng thị trường carbon, có một số lợi thế trong những ngành giảm và loại bỏ khí gây hiệu ứng nhà kính. Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam xác lập, không ngừng gia tăng vị thế trong các chuỗi giá trị xanh toàn cầu.

“Nguyên tắc của thị trường carbon là phân bổ hạn ngạch phát thải đối với một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế theo từng giai đoạn và từng năm. Hạn ngạch này phải phù hợp với tổng lượng khí thải của đất nước. Giống như các nước khác như Pháp hay nhiều nước châu Âu, Việt Nam đã chọn đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này có nghĩa là đến năm 2050 sẽ đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải carbon được tạo ra và lượng carbon được loại bỏ hoặc bù đắp. Tôi nghĩ nếu Việt Nam thực hiện theo đúng lộ trình, xác định rõ thị trường thì đây sẽ là một hệ thống hoạt động hiệu quả nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Việt Nam có tiềm năng rất lớn”, ông Patrick Criqui cho biết.

Pháp dành nhiều hỗ trợ cho Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đã cam kết 500 triệu euro, chủ yếu thông qua Cơ quan Phát triển Pháp để tài trợ cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo và tăng cường năng lực truyền tải điện.

Thu Hoài/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phap-ho-tro-viet-nam-phat-trien-thi-truong-carbon-va-xay-dung-nen-tai-chinh-xanh-post1086030.vov