Pháp hủy hội nghị thượng đỉnh quốc phòng với Anh giữa căng thẳng về AUKUS

Theo nguồn tin, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly ra quyết định hủy cuộc gặp song phương với người đồng cấp Anh Ben Wallace, dự kiến diễn ra trong tuần này tại Anh.

Hãng Reuters dẫn hai nguồn thạo tin ngày 20-9 cho biết Pháp đã hủy cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng nước này - bà Florence Parly - và người đồng cấp Anh Ben Wallace, dự kiến diễn ra trong tuần này.

Động thái trên được đưa ra sau khi Úc hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm với Paris để đạt được thỏa thuận với Washington và London theo thỏa thuận AUKUS.

Các bên sẽ phải chạm mặt nhau tại kỳ họp Đại Hội đồng LHQ

Các nguồn tin cho biết đích thân bà Parly đã đưa ra quyết định hủy cuộc gặp song phương với ông Wallace.

Bộ Quốc phòng Pháp và Bộ Quốc phòng Anh hiện chưa đưa ra bình luận.

Các nguồn tin xác nhận một báo cáo trước đó trên tờ The Guardian rằng cuộc họp đã bị hủy bỏ.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (phải) và người đồng cấp Anh Ben Wallace. Ảnh: RT

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (phải) và người đồng cấp Anh Ben Wallace. Ảnh: RT

Theo The Guardian, ông Wallace và bà Parly tuần này dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh bộ trưởng quốc phòng Pháp-Anh, bao gồm một cuộc họp song phương ở London.

Hai quan chức dự kiến cũng có bài phát biểu trước Hội đồng Pháp-Anh, sự kiện theo kế hoạch sẽ diễn ra trong hai ngày với sự tham dự của các quan chức quốc phòng cấp cao từ hai bên.

Tuy nhiên, đồng Chủ tịch Hội đồng Pháp-Anh Peter Ricketts - cựu cố vấn an ninh quốc gia của Anh - xác nhận sự kiện này đã bị “hoãn lại đến một ngày sau đó”.

Theo tờ báo, chuyến thăm của bà Parly đến Anh sẽ trở nên không cần thiết nếu như sự kiện trên không diễn ra.

Trước đó, các nguồn tin của Anh hôm 19-9 đã bày tỏ sự lạc quan rằng các cuộc thảo luận sẽ được tiến hành.

“Chúng tôi có quan hệ đối tác quốc phòng bền vững và chặt chẽ với Pháp như những đồng minh đáng tin cậy” – một quan chức Anh cho biết, trích dẫn các hoạt động chống khủng bố chung như ở Mali và Iraq.

Pháp đã phản ứng tức giận sau khi Úc hủy bỏ hợp đồng về tàu ngầm diesel với một nhà thầu Pháp để chuyển sang phương án thay thế là chạy bằng năng lượng hạt nhân sau sáu tháng đàm phán bí mật với Anh và Mỹ.

Cuối tuần qua, Pháp đã triệu hồi các đại sứ của nước này tại Mỹ và Úc. Việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh quốc phòng cũng cho thấy sẽ có những hậu quả đối với Anh, vốn có thể sẽ nghiêm trọng hơn khi căng thẳng tiếp diễn.

Căng thẳng leo thang cũng có nguy cơ làm lu mờ chuyến công du đến Mỹ của Thủ tướng Boris Johnson và tân Ngoại trưởng Anh Liz Truss. Bà Truss sẽ đến tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong khi ông Johnson dự kiến sẽ có chuyến thăm Nhà Trắng đầu tiên trên cương vị thủ tướng để gặp ông Biden.

Thủ tướng Anh tìm cách xoa dịu căng thẳng với Pháp

Theo The Guardian, Thủ tướng Johnson tối 19-9 nhấn mạnh "những người bạn Pháp của chúng tôi" không nên lo lắng về hiệp ước quốc phòng AUKUS, nói rằng "tình yêu của chúng tôi đối với nước Pháp là không thể khuất phục".

“Chúng tôi rất, rất tự hào về mối quan hệ của chúng tôi với Pháp và nó có tầm quan trọng rất lớn đối với đất nước này. Đó là một mối quan hệ rất thân thiện - một mối quan hệ thân thiết - đã có từ một thế kỷ trở lên và nó hoàn toàn quan trọng đối với chúng tôi" – ông Johnson cho hay.

Tuy Tổng thống Pháp Emmaunuel Macron dự kiến sẽ không tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, song bà Truss sẽ phải chạm mặt Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tại một cuộc họp của hội đồng an ninh Liên Hợp Quốc vào ngày 21-9.

Thủ tướng Anh Borris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: THE SUN

Thủ tướng Anh Borris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: THE SUN

Theo The Guardian, Pháp đặc biệt không hài lòng khi trong các cuộc gặp song phương và các cuộc họp khác trong vài tháng qua, các bộ trưởng của ba nước không đưa ra dấu hiệu nào về AUKUS.

Anh lập luận rằng họ chỉ đơn thuần là đáp ứng yêu cầu từ Úc hồi tháng 3 về việc tìm kiếm công nghệ động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân bí mật cho tàu ngầm của nước này, công nghệ được chia sẻ giữa Anh và Mỹ theo một thỏa thuận quốc phòng có từ năm 1958.

Một nguồn tin quốc phòng nói hay sau khi nhận được sự ủng hộ của Anh, phía Úc sau đó đã tìm đến chính quyền ông Biden.

Trao đổi với tờ The Telegragh, Ngoại trưởng Anh Truss hôm 19-9 cho biết: “Thỏa thuận này không chỉ là một chính sách đối ngoại, nó còn mang lại lợi ích cho mọi người trên khắp Anh và hơn thế nữa, bằng cách hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng để xây dựng nên một liên minh dựa trên các giá trị và lợi ích chung”.

"Chúng tôi sẽ cùng hợp tác về một loạt công nghệ tiên tiến nhất, từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, cho tới trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử” – bà Truss nói thêm.

“Điều này cho thấy chúng tôi sẵn sàng hành động cứng rắn trong việc bảo vệ lợi ích của mình và đối phó với các hành vi không phù hợp với luật quốc tế và động thái ác ý" – bà Truss nhấn mạnh, nói thêm rằng việc ký thỏa thuận AUKUS cũng là cam kết của Anh đối với việc bảo vệ an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/phap-huy-hoi-nghi-thuong-dinh-quoc-phong-voi-anh-giua-cang-thang-ve-aukus-96276.html