Pháp luật là trên hết
Mặc dù đã có 'tờ giấy khai sinh' hợp lệ từ bản Tuyên ngôn Độc lập vang lên khắp cả nước và thế giới hôm 2-9-1945 nhưng bằng sự trải nghiệm và tầm nhìn thông tuệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải là một nhà nước chính danh, hợp pháp theo thông lệ quốc tế, tức là phải có một bản hiến pháp - luật cơ bản của một quốc gia dân chủ, pháp quyền.
Cho nên bằng sự nhạy cảm tuyệt vời của lãnh tụ, sau ngày 2-9-1945, khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các thành viên Chính phủ lâm thời trong phiên họp đầu tiên là: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội”. Vì chỉ có Quốc hội với chức năng lập pháp mới có quyền thông qua hiến pháp và các đạo luật khác cho một nhà nước pháp quyền.
Sau các bước khẩn trương chuẩn bị, ngày 6-9-1946, 88% công dân Việt Nam trong độ tuổi được quyền bầu cử đã nô nức đi bỏ phiếu thực hiện quyền công dân bầu ra 333 đại biểu Quốc hội đầu tiên (khóa 1). Cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong bối cảnh thực dân Pháp đang đưa quân xâm lược nước ta lần thứ hai. Lúc bấy giờ, nhân dân Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định - Biên Hòa, Thủ Dầu Một đã bước vào cuộc kháng chiến thần thánh vang lên từ thành thị đến bưng biềng và thực dân Pháp cũng tăng quân, thêm súng tăng cường chống lại lực lượng kháng chiến trước trong và sau ngày bầu cử Quốc hội.
Ngày 2-3-1946, Quốc hội khóa I đã họp phiên thứ nhất thông qua nghị quyết giao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập chính phủ và thông qua Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp. Đến ngày 9-11-1946, Quốc hội họp phiên thứ hai với 240 đại biểu tán thành đã thông qua bản Hiến pháp gồm 7 chương, 70 điều là bản Hiến pháp đầu tiên ở Đông Nam Á và các nước thuộc địa.
Đến nay, sau hơn 78 năm ra đời, có dịp đọc lại bản Hiến pháp đầu tiên, chúng ta thấy nội dung của ban Hiến pháp này vẫn thấm đẫm tính nhân văn, đậm sắc tinh thần dân chủ thể hiện trong từng từ, từng cụm từ, câu chữ, mở đầu nền pháp trị Việt Nam với một nhà nước pháp quyền, dân chủ của dân, do dân và vì dân.
Sau các lần sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình đất nước, nhiệm vụ cách mạng và diễn biến của thế giới, thì hồn cốt của bản Hiến pháp đầu tiên mà Quốc hội khóa I thông qua ngày 9-11-1946 - ngày mà sau này được chọn làm Ngày Pháp luật Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị tinh thần, thể hiện ý chí , nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình kháng chiến và kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ độ lùi của lịch sử với khẩu hiệu: “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, chúng ta nghĩ về bản Hiến pháp đầu tiên, ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên với những người đã ngã xuống trên những lá phiếu thắm máu và những đại biểu Quốc hội đầu tiên như Điểu Xiểng (một trong những đại biểu Quốc hội đầu tiên của đơn vị tỉnh Biên Hòa, nay là tỉnh Đồng Nai) đã ngã xuống trên đường ra Hà Nội họp Quốc hội để tự nguyện bảo vệ Hiến pháp như bảo vệ sông núi, đất trời, biển đảo của Tổ quốc.
Trước mắt, mỗi ngày, từng người, nhất là những công dân trẻ cần tự giác tìm hiểu và thực hiện đúng các quy phạm pháp luật có liên quan đến hành trạng của bản thân mình. Mọi người, nhất là người của cơ quan công quyền trong hành xử hàng ngày, hàng giờ với người dân, trước hết phải luôn đề cao tinh thần: “Thượng tôn pháp luật” (pháp luật trên hết). Kỷ niệm Ngày Pháp luật là dịp để mỗi người chúng ta có dịp lắng đọng suy nghĩ về bổn phận công dân, trách nhiệm công vụ của mình. Chứ pháp chế nói chung, pháp luật nói riêng là một quá trình liên tục nên ngày nào cũng là Ngày Pháp luật...
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202411/phap-luat-la-tren-het-12320d6/