Pháp luật quy định như thế nào về bảo đảm bí mật thông tin trong hoạt động viễn thông?

* Bạn đọc Phạm Thanh Phương ở xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về bảo đảm bí mật thông tin trong hoạt động viễn thông?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 6 Luật Viễn thông. Cụ thể như sau:

1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân khi gửi, truyền hoặc lưu giữ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước trên mạng viễn thông có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

3. Thông tin riêng của mọi tổ chức, cá nhân chuyển qua mạng viễn thông công cộng được bảo đảm bí mật. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm thông tin thuê bao viễn thông (tên, địa chỉ, số thuê bao viễn thông và thông tin riêng khác mà người sử dụng cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp) và thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông (số thuê bao viễn thông gửi, số thuê bao viễn thông nhận, vị trí thiết bị đầu cuối gửi, vị trí thiết bị đầu cuối nhận, thời điểm gửi, nhận, thời lượng liên lạc, địa chỉ internet), trừ các trường hợp sau đây:

a) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân;

b) Các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản về việc trao đổi, cung cấp thông tin thuê bao viễn thông, thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông của người sử dụng dịch vụ để phục vụ cho việc tính giá, lập hóa đơn;

c) Doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin thuê bao viễn thông có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

d) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Đào Thị Tâm ở xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, hỏi:Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 452 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021. Cụ thể như sau:

1. Trường hợp có căn cứ cho rằng người đang chấp hành án phạt tù mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh đề nghị tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án chấp hành án phạt tù trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

2. Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc chánh án tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành án phạt tù nếu không có lý do để miễn chấp hành hình phạt tù.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-bao-dam-bi-mat-thong-tin-trong-hoat-dong-vien-thong-786101