Pháp luật quy định như thế nào về tiền ký quỹ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng?

Bạn đọc Lâm Thị Nga ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về tiền ký quỹ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 25, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể như sau:

1. Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động về việc ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

2. Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa của người lao động tại ngân hàng.

3. Người lao động được nhận lại cả gốc và lãi tiền ký quỹ khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra; nếu tiền ký quỹ còn thừa thì phải trả lại cho người lao động, nếu không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.

4. Trường hợp có tranh chấp phát sinh về việc doanh nghiệp dịch vụ không trả tiền ký quỹ, người lao động có quyền kiến nghị đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định mức trần tiền ký quỹ của người lao động phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, việc quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ.

* Bạn đọc Đỗ Thanh Hương ở phường An Hòa, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, hỏi: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện tổ chức hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội được hưởng chính sách gì?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 13 Nghị định số 17/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Được huy động, sử dụng tài trợ bằng tiền hoặc bằng sản phẩm, hàng hóa từ các nguồn ủng hộ, tài trợ, đóng góp hợp pháp theo quy định của pháp luật.

2. Được UBND các cấp tạo điều kiện, bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình tổ chức hoạt động tình nguyện; chỉ đạo các ngành có liên quan tại địa phương phối hợp trong công tác tổ chức hoạt động tình nguyện.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội có nhiều thành tích trong hoạt động tình nguyện được xem xét, khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-tien-ky-quy-cua-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong-785526