Pháp luật quy định như thế nào về việc tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ?
* Bạn đọc ở Đỗ Hồng Thái ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 26 Luật Lâm nghiệp. Cụ thể như sau:
1. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng:
a) Thành lập ban quản lý rừng đặc dụng đối với vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài-sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan có diện tích tập trung từ 3.000ha trở lên.
Trường hợp trên địa bàn cấp tỉnh có một hoặc nhiều khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài-sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan có diện tích mỗi khu dưới 3.000ha thì thành lập một ban quản lý rừng đặc dụng trên địa bàn;
b) Tổ chức được giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia tự tổ chức quản lý khu rừng.
2. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ:
a) Thành lập ban quản lý rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới có diện tích tập trung từ 5.000ha trở lên hoặc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 3.000ha trở lên;
b) Các khu rừng phòng hộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì giao cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang trên địa bàn để quản lý.
3. Việc tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng.
* Bạn đọc Đặng Hoàng Hà ở xã Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, hỏi: Các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) quy định các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
1. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
2. Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:
a) Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
b) Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;
c) Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;
d) Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
3. Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
QĐND
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.