Pháp luật quy định như thế nào về việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể?
Bạn đọc Phan Văn Long ở xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 46, Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 4-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy. Cụ thể như sau:
1. Đối với người thuộc trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể thì cơ quan, người có thẩm quyền xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể mời người đó đến địa điểm xét nghiệm để thực hiện việc xét nghiệm.
Trường hợp người đó không hợp tác thực hiện xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể thì cơ quan công an triệu tập người đó đến địa điểm xét nghiệm để lấy mẫu xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể. Người thuộc trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể phải có mặt khi được cơ quan công an yêu cầu.
2. Hình thức lấy mẫu xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể là lấy máu, lấy nước tiểu, thông tiểu hoặc lấy các mẫu vật khác trên cơ thể.
3. Các buồng chờ xét nghiệm và nơi lấy mẫu phải chia khu vực dành cho nam riêng, nữ riêng. Nơi không có buồng chờ riêng thì bố trí cho nam, nữ đứng riêng và nơi lấy mẫu phải có buồng nam, nữ riêng.
Việc lấy mẫu nước tiểu phải có cán bộ cùng giới giám sát.
4. Trường hợp lấy mẫu xét nghiệm người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp lấy mẫu nước tiểu.
* Bạn đọc Hoàng Văn Đức ở phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, hỏi: Công tác thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra được quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 58, Luật Thanh tra năm 2022. Cụ thể như sau:
1. Trước khi ban hành quyết định thanh tra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thủ trưởng cơ quan thanh tra phân công người thu thập thông tin có liên quan để làm rõ sự cần thiết tiến hành thanh tra, bảo đảm việc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp.
2. Trường hợp cần làm rõ hoặc bổ sung thông tin để ban hành quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra cung cấp thông tin bằng văn bản về nội dung dự kiến thanh tra hoặc cử người thu thập thông tin làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra.
3. Người thu thập thông tin có trách nhiệm báo cáo kết quả bằng văn bản với thủ trưởng cơ quan thanh tra, trong đó nêu rõ những nội dung cần tiến hành thanh tra. QĐND
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.