Pháp luật TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Sìn Hồ là huyện biên giới có 14 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào Thái, Mông, Dao chiếm trên 60%... Và địa bàn rộng, địa hình phức tạp, các dân tộc sống rải rác xen kẽ. Để người dân nâng cao nhận thức, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, việc phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến đông đảo Nhân dân là việc làm cấp thiết.

Những năm qua, công tác PBGDPL được cấp ủy, chính quyền huyện Sìn Hồ đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên và có nhiều đổi mới về phương pháp, hình thức phù hợp với từng địa phương nên nhận thức về pháp luật của người dân, nhất là người dân vùng cao được nâng lên. Nhiều hoạt động tuyên truyền PBGDPL được huyện triển khai như: tuyên truyền miệng, thông qua tủ sách thư viện pháp luật, hệ thống loa phát thanh, tờ rơi... Đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức, năng lực, không quản khó khăn bám nắm cơ sở, tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân.

Một buổi phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tại xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ).

Một buổi phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tại xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ).

Đặc thù của Sìn Hồ là địa phương có diện tích tự nhiên rộng, cộng đồng dân cư sống rải rác, có đường biên giới với Trung Quốc, nên việc PBGDPL khó khăn và vất vả hơn, yêu cầu về trình độ chuyên môn của cán bộ phải chuyên sâu và nhạy bén. Hiện, trên địa bàn huyện có 43 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 190 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và 871 hòa giải viên. Để hoàn thành được nhiệm vụ, đảm bảo trang bị đủ kiến thức pháp luật, đưa thông tin về chủ trương của Đảng đến người dân tại vùng sâu, nâng cao hiểu biết cho người dân, lực lượng cán bộ PBGDPL phải nỗ lực và luôn sáng tạo trong công việc.

Hình thức PBGDPL của đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên trên địa bàn huyện thời gian qua có nhiều thay đổi, phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế mới, phù hợp với từng đối tượng, từng cộng đồng dân cư. Nhất là hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thông tin tới người dân phải nhanh và chính xác, dễ tiếp cận. Đây cũng là cơ hội để cán bộ tuyên truyền viên cấp xã khẳng định vai trò trách nhiệm của mình tới cộng đồng.

Chị Lương Thị Thơm, tuyên truyền viên tại xã Làng Mô cho biết: Thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật tại địa phương, người dân có cơ hội giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sống, cách làm kinh tế, phương pháp nuôi dạy con... nâng cao chất lượng sống. Ngoài ra, việc chú trọng PBGDPL tới người dân đã góp phần phòng, chống các biểu hiện bạo lực gia đình, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đời sống tinh thần trong cộng đồng được nâng lên.

Từ năm 2015 đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Sìn Hồ (với 29 thành viên) hoạt động tích cực, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho Nhân dân. Trong đó, tổ chức được hơn 9.668 buổi hội thảo, tuyên truyền cho 481.102 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, nhờ cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm tới việc PBGDPL nên đã tổ chức thành công 3 cuộc thi về tìm hiểu pháp luật, hưởng ứng tham gia 6 cuộc thi về PBGDPL với hơn 19.190 lượt người tham dự. Việc này góp phần đáng kể vào nâng cao nhận thức pháp luật của Nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước tại địa phương.

Ông Mùa A Sinh, người dân xã Tả Ngảo chia sẻ: “Nhờ thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt PBGGPL của xã, tôi hiểu hơn về pháp luật, quyền lợi trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân với cộng đồng; nắm bắt được nhiều chủ trương mới dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, dù tình hình dịch bệnh phức tạp, sinh hoạt của gia đình tôi và nhiều hộ trong xã bị ảnh hưởng, nhưng nhờ được các cấp, ngành phổ biến thông tin kịp thời nên tình hình an ninh trật tự luôn đảm bảo, không xảy ra tình trạng người dân vi phạm pháp luật”.

Là huyện miền núi đa dân tộc sinh sống nên công tác tuyên truyền PBGDPL cũng gặp nhiều khó khăn, từ việc bất đồng văn hóa, ngôn ngữ và cách trở về địa lý đã tạo áp lực lên các cán bộ tuyên truyền viên. Việc tiếp cận tuyên truyền PBGDPL tới người dân theo cách thông thường như: phát tờ rơi, khẩu hiệu, pano hoặc qua mạng viễn thông... hiệu quả thấp. Ở những địa phương đặc biệt khó khăn này người dân khó tiếp cận thông tin, tại đây tuyên truyền viên chủ yếu nhờ sự giúp đỡ của những người cao tuổi, có uy tín trong bản. Từ sự trợ giúp đắc lực từ đội ngũ này, rất nhiều việc khó được giải quyết nhanh, thuận lợi.

Bằng nhiều biện pháp đồng bộ và thiết thực, công tác tuyên truyền PBGDPL của huyện Sìn Hồ từng bước đạt kết quả đáng ghi nhận, tác động tích cực tới nhiều mặt trong đời sống Nhân dân. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, thay đổi tư duy nếp nghĩ, cách làm và dần xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu của người dân vùng cao.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ph%C3%A1p-lu%E1%BA%ADt/ph%E1%BB%95-bi%E1%BA%BFn-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-ph%C3%A1p-lu%E1%BA%ADt-cho-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n-v%C3%B9ng-cao