Không quân Pháp đã tiến hành vụ phóng thử nghiệm tên lửa hạt nhân siêu thanh ASMP-A từ tiêm kích đa năng Rafale, diễn biến trên đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ truyền thông quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết, vụ phóng thử diễn ra trong khuôn khổ Chiến dịch Durandal, trong đó tên lửa ASMP-A không mang đầu đạn, chỉ nhằm đánh giá đặc tính bay.
Máy bay chiến đấu đa năng Rafale thuộc Bộ chỉ huy chiến lược của Lực lượng Không quân và Vũ trụ Pháp đã tham gia bài kiểm tra nói trên, cho thấy nó còn là nền tảng mang vũ khí hạt nhân đáng tin cậy.
Cần nhấn mạnh, tên lửa siêu thanh ASMP-A là phiên bản nâng cấp của từ ASMP, nó có tầm bắn tối đa 500 km, vận tốc Mach 7 và mang đầu đạn nhiệt hạch công suất lớn loại TNA có đương lượng nổ 300 kiloton.
Tên lửa thuộc dòng ASMP thuộc bộ đôi phương tiện răn đe hạt nhân của Pháp, ngang hàng với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm M51, bởi từ lâu nay Paris không duy trì tên lửa đạn đạo hay hành trình triển khai trên mặt đất.
Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, bài kiểm tra mới nhất đã chứng minh độ tin cậy của vũ khí và đánh dấu lần phóng thử thành công thứ 22 đối với tên lửa ASMP-A, một con số rất đáng nể.
Hiện tại tên lửa ASMP-A là vũ khí răn đe hạt nhân chủ lực biên chế cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Pháp, nó đang được cất trữ tại các căn cứ không quân Bouches-du-Rhône, Haute-Marne và Cher.
Không chỉ có vậy, tên lửa ASMP-A còn được sử dụng bởi phi đội hàng không hải quân số 12 của Pháp, đơn vị trực thuộc lực lượng răn đe hạt nhân của hải quân nước này.
Song song với ASMP-A, Pháp còn đang phát triển phiên bản mới của tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ASN4G, vũ khí trên dự kiến có thêm nhiều tính năng vượt trội về cả tầm bắn, tốc độ cũng như khả năng tàng hình.
Vấn đề cần nhắc đến nữa chính là máy bay chiến đấu của Pháp nhận được tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ năm 2009. Năm 2010, vũ khí này bắt đầu được tích hợp cho chiến đấu cơ của Hải quân Pháp.
Bộ Quốc phòng Pháp lưu ý rằng, các bài kiểm tra được tiến hành với tên lửa ASMP-A nâng cấp sẽ giúp hoàn thành công việc phức tạp liên quan tới thiết kế chi tiết và xin giấy phép đặc biệt để vận hành vũ khí hạt nhân hàng không được cập nhật.
Tin tức này đặc biệt gây chú ý ở Ấn Độ, nơi có kho vũ khí của tiêm kích Rafale. New Delhi cho rằng cần phải tạo ra các phiên bản tên lửa phóng từ trên không mang đầu đạn hạt nhân của riêng họ. Điều này sẽ làm tăng khả năng của các lực lượng hạt nhân Ấn Độ.
Trước đó, Pháp đã bắt đầu một chương trình để sản xuất đầu đạn hạt nhân thế hệ mới và tiếp tục dự trữ tritium, bước đi trên chủ yếu liên quan đến việc tăng số lượng đầu đạn hạt nhân.
Mặc dù không nói gì về cuộc tập trận hạt nhân phi chiến lược đang được Nga và Belarus tiến hành, nhưng rõ ràng hành động trên của Pháp nhằm mục đích đáp trả, bởi nó diễn ra vào đúng thời điểm nhạy cảm.
Sự kiện trên cùng với vụ thử hạt nhân cận tới hạn mới được Mỹ tiến hành đang khiến thế giới lo ngại, bởi không khí đang căng thẳng như thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, khi nguy cơ xung đột hạt nhân bị đẩy lên mức khá cao.