Pháp trở lại hiện thực phũ phàng sau 'giấc mơ đẹp' Olympic

Olympic Paris mang đến thành công lớn trong mùa hè năm nay, làm say đắm thế giới và tái khẳng định niềm tự hào dân tộc của Pháp. Nhưng sau cơn say này, Tổng thống Emmanuel Macron giờ phải trở về với cuộc khủng hoảng chính trị do chính ông tạo ra.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ các vận động viên khi ông thăm làng Olympic Paris, ngày 22/7. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ các vận động viên khi ông thăm làng Olympic Paris, ngày 22/7. (Ảnh: Reuters)

Các cuộc đàm phán về việc làm và ngân sách chính phủ sắp diễn ra, chắc chắn sẽ khiến cử tri giận dữ. "Bây giờ chúng ta phải thức dậy sau giấc mơ đẹp đẽ này", Christine Frant, 64 tuổi, nói với Reuters khi đang ở trong khu vực dành cho người hâm mộ Club France cuối tuần trước.

"Thật đáng tiếc khi chúng ta phải quay lại với cuộc sống hằng ngày, không có chính phủ, những cuộc cãi vã trong quốc hội, trong khi ở đây mọi thứ đều là sự chia sẻ và vui vẻ", ông Frant nói.

Tổng thống Macron kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội chỉ vài tuần trước khi Olympic Paris bắt đầu, kết quả sau đó là một quốc hội treo.

Lựa chọn được một thủ tướng vừa có thể xoa dịu phe trung dung của ông Macron, vừa làm hài lòng phe cánh tả và đảng Tập hợp quốc gia cực hữu là điều rất khó khăn.

Sau nhiều ngày đàm phán không đi đến đâu, Tổng thống Macron tuyên bố “ngừng bắn chính trị” trong suốt thời gian diễn ra Olympic Paris, đặt ra thời hạn đến khoảng giữa tháng 8 để lựa chọn thủ tướng mới và để các đảng phái chính trị đàm phán.

Vụ phá hoại bí ẩn nhằm vào hệ thống đường sắt và viễn thông xảy ra trước Olympic có vẻ là điềm báo đáng ngại, nhưng sự kiện vẫn tiếp tục mà không có thêm bất kỳ mối lo ngại nào về an ninh.

Trong thời gian diễn ra Olympic Paris, ông Macron ở tại nơi nghỉ dưỡng của tổng thống French Riviera, với một vài lần xuất hiện ở Paris, bao gồm lần gặp để chúc mừng võ sĩ judo người Pháp Teddy Riner sau khi anh giành được huy chương vàng thứ tư trong sự nghiệp.

Trong khi nhiều người dõi theo hàng loạt cuộc thi đấu thể thao, các chính trị gia Pháp vẫn phải tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Bây giờ, đã đến lúc ông Macron phải đưa ra quyết định.

Lucie Castets, người được Mặt trận Bình dân mới lựa chọn, dù đã có những nỗ lực để nhiều người biết đến, nhưng đến nay vẫn được cho là một ẩn số chính trị.

"Bà ấy là ai? Tôi đã không theo dõi chính trị trong 2 tuần qua. Thế vận hội là dịp thoát khỏi tất cả những điều đó", Zahera Dakkar, 40 tuổi, nói với Reuters khi đang xem trận chung kết bóng chuyền tại Club France.

Xavier Bertrand, một cựu bộ trưởng bảo thủ dưới thời cựu Tổng thống Jacques Chirac, từng có những lời lẽ gay gắt với Tổng thống Macron nhưng sau đó hợp tác với chính phủ, có thể là một lựa chọn.

Một ứng viên khác được nhắc đến là Bernard Cazeneuve, cựu thủ tướng dưới thời Tổng thống Francois Hollande.

Bất kỳ ai được Tổng thống Macron chọn làm thủ tướng cũng sẽ phải đối mặt với công việc khó khăn, khi nước này đang chịu áp lực từ Ủy ban châu Âu và thị trường trái phiếu phải giảm thâm hụt ngân sách.

"Nếu ông Macron cố bổ nhiệm chính phủ cánh hữu, ông ấy sẽ không nhận được đồng ngân sách nào", ông Eric Coquerel, chủ nhiệm ủy ban tài chính của Quốc hội, tuyên bố.

Tú Linh

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phap-tro-lai-hien-thuc-phu-phang-sau-giac-mo-dep-olympic-post1663111.tpo