Pháp và các nước EU dồn lực chống dịch Covid-19

Tối 17-3, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France 2 rằng Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu vượt qua cuộc khủng hoảng bệnh dịch bằng bất cứ giá nào. Cùng lúc, lãnh đạo các nước EU họp khẩn cấp để xem xét lại cách phối hợp chống dịch Covid-19.

Sơ đồ số ca nhiễm Covid-19 tại các vùng ở Pháp. (Nguồn: Bộ Y tế Pháp)

Sơ đồ số ca nhiễm Covid-19 tại các vùng ở Pháp. (Nguồn: Bộ Y tế Pháp)

NDĐT - Tối 17-3, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France 2 rằng Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu vượt qua cuộc khủng hoảng bệnh dịch bằng bất cứ giá nào. Cùng lúc, lãnh đạo các nước EU họp khẩn cấp để xem xét lại cách phối hợp chống dịch Covid-19.

Chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp ở Pháp

Thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh, nước Pháp đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có về sức khỏe, kinh tế và thậm chí là cả tài chính. Vì vậy không còn lý do gì để tính đến chuyện bình tĩnh. Mỗi cá nhân phải có trách nhiệm thực hiện lệnh vừa được ban hành, hạn chế tối đa sự tiếp xúc. Có như vậy, mục tiêu làm chậm sự lây lan của virus corona mới thành công.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner khẳng định các lực lượng cảnh sát được triển khai trên toàn quốc để bảo đảm việc thực thi các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Một trung tâm xử lý khủng hoảng cũng đã được thành lập để kiểm soát tình hình ở khắp các vùng và biên giới.

Cùng với việc yêu cầu người dân thực hiện đúng lệnh giới hạn đi lại, Thủ tướng Pháp cho biết Chính phủ đã chuẩn bị các kế hoạch để bảo vệ sự tồn tại của các doanh nghiệp trong giai đoạn đầy thách thức này. Dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến nhiều lĩnh vực khác như du lịch, hàng không, giao thông vận tải… Do lệnh hạn chế đi lại và các biện pháp cách ly, toàn bộ cửa hàng, dịch vụ ăn uống và giải trí được lệnh đóng cửa, dẫn đến nguy cơ phá sản của hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tướng Pháp cho biết: Mục tiêu của Chính phủ là bảo đảm sự tồn tại của các doanh nghiệp qua cuộc khủng hoảng này. Nhà nước đã tính đến phương án quốc hữu hóa để cứu các doanh nghiệp quan trọng như Air France với cam kết hỗ trợ 700 triệu euro.

Thủ tướng Pháp cũng cho biết việc đóng cửa biên giới với Vương quốc Anh có thể được xem xét nếu nước này không áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch.

Tối 17-3, Bộ Y tế Pháp cho biết có thêm 1.097 ca nhiễm mới và 27 người tử vong ở nước này. Tổng số hiện là 7.730 người nhiễm và 175 người tử vong do bệnh dịch. Vùng thủ đô Île-de-France đã đứng đầu về số ca nhiễm, 2.177 ca, tiếp đó là vùng Grand-Est, 1.820 ca. Có 2.575 người nhiễm đang được điều trị trong bệnh viện trong đó có 690 người trong tình trạng sức khỏe xấu.

Số người mới được xác nhận nhiễm virus corona ở ba nước Italy, Tây Ban Nha và Đức trong 24 giờ qua vẫn vượt con số 1.000. Italy có thêm 2.503 ca nhiễm, mức tăng 12,6%, thấp nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này và 345 người tử vong. Tây Ban Nha thông báo có thêm 1.806 ca nhiễm mới và 191 ca tử vong. Chính phủ nước này cho biết có thể kéo dài thời hạn phong tỏa. Từ 12 giờ trưa hôm nay ngày 18-3 (18 giờ Việt Nam), lệnh hạn chế đi lại bắt đầu có hiệu lực ở Bỉ và kéo dài đến 5-4.

Nhiều nhà ở Pháp căng phông ở ban-công có dòng chữ "Chúng tôi ở nhà, hãy làm như vậy."

Nhiều nhà ở Pháp căng phông ở ban-công có dòng chữ "Chúng tôi ở nhà, hãy làm như vậy."

EU xem xét lại cách phối hợp chống dịch bệnh

Chiều 17-3, lãnh đạo các nước EU đã họp qua cầu truyền hình nhằm thảo luận sự phối hợp trong công tác khống chế dịch bệnh, duy trì hoạt động kinh tế, nhất là sau khi các nước tự quyết định đóng cửa biên giới. Các biện pháp do Pháp và các nước EU đưa ra trong 24 giờ qua cho thấy lời kêu gọi về "cách tiếp cận chung" trong cuộc họp ngày 10-3 không được cân nhắc. Mỗi nước có cách hành động riêng, không có sự thống nhất về biện pháp phòng chống dịch trong lĩnh vực y tế, biên giới, hỗ trợ kinh tế.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli cho rằng châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong cuộc khủng hoảng bệnh dịch này. Ủy ban châu Âu cho rằng quyết định đóng cửa biên giới trong vòng 30 ngày do 27 nước EU đưa ra là vấn đề chủ quyền của mỗi nước. Các nước EU hiện đã chấp nhận kế hoạch của Ủy ban châu Âu nhằm hạn chế tác động của việc đóng cửa biên giới để bảo đảm việc duy trì một thị trường chung.

Thực tế cho thấy khi dịch bệnh bùng phát khủng khiếp ở Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, chưa có sự hợp tác, phối hợp chung của các nước trong khu vực. Mỗi nước đưa ra biện pháp của riêng mình tùy theo tình hình thực tế. Vì vậy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng những biện pháp do các nước EU vừa đưa ra thiếu sự phối hợp, do đó không thể mang lại hiệu quả cao nhất trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân trước bệnh dịch và dẫn đến thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Các nước thống nhất rằng chỉ thực hiện kiểm tra sức khỏe ở một phía biên giới giữa hai nước với quy trình giống nhau và không "phân biệt đối xử". Các nước cũng thống nhất việc duy trì lưu thông hàng hóa. Bộ trưởng tài chính các nước EU cũng khẳng định quyết tâm đối phó nguy cơ suy thoái kinh tế, chấp nhận khả năng xảy ra thâm hụt ngân sách do bệnh dịch. Để thúc đẩy việc nghiên cứu thuốc chữa bệnh dịch Covid-19, EU tăng thêm 100 triệu euro để nghiên cứu vaccine phòng virus corona, đồng thời cấm xuất khẩu thiết bị y tế, mua thêm khẩu trang, máy thở ô-xy...

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vừa thông báo rằng công ty dược phẩm CureVac của Đức có khả năng sớm đưa ra loại vaccine chống lại Covid-19. Đây là tín hiệu tích cực trước khi châu Âu có nguy cơ "thất thủ" vì bệnh dịch Covid-19.

KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43660802-phap-va-cac-nuoc-eu-don-luc-chong-dich-covid-19.html