Phạt 325 triệu đồng một cá nhân xâm hại Vườn quốc gia Xuân Thủy
Ngày 22/11, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền phạt 325 triệu đồng đối với một cá nhân về các hành vi hút cát trái phép, chặt cây phi lao và cây ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy).
Cụ thể, người bị xử phạt là ông Nguyễn Văn Phê (sinh năm 1973, trú tại tổ dân phố Đông Nhất, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính “gây thiệt hại từ 2.000m² đất, đất ngập nước, mặt nước trở lên tại khu vực không thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn”.
Quyết định xử phạt căn cứ theo điểm G, khoản 3, Điều 47, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài việc bị phạt 325 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Phê còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại trạng thái ban đầu do vi phạm hành chính gây ra. Nếu quá thời hạn, ông Phê không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Phê đã 2 lần liên tiếp thực hiện các hành vi gây thiệt hại cho Vườn quốc gia Xuân Thủy vào tháng 6 và tháng 8/2023, khi tự ý thuê người, huy động máy móc hút cát cải tạo bãi, dựng chòi và chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn trong khu vực Vườn.
Cơ quan chức năng huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định xác định, việc ông Nguyễn Văn Phê tự ý cải tạo bãi bồi, bơm hút cát đã làm thay đổi cảnh quan môi trường, lập địa tự nhiên bãi bồi của Vườn quốc gia Xuân Thủy; gây thiệt hại khoảng 460m² diện tích cây rừng ngập mặn tái sinh, khoảng 4.000m² cây phi lao bị chặt phá và khoảng 4.220m² diện tích đất bãi bồi.
Vườn quốc gia Xuân Thủy là một vùng bãi bồi rộng lớn nằm ở phía nam cửa sông Hồng, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 7.100ha trên địa bàn huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Phù sa của sông Hồng và biển đã tạo nên một vùng rừng ngập nước rộng lớn với nhiều loài động, thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm.
Tháng 1/1989, Vườn quốc gia Xuân Thủy là khu vực đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế RAMSAR (công ước về bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt, là nơi cư trú của những loài chim nước).
Năm 2004, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Tháng 9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định có văn bản đồng ý cho Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ, đề cử trở thành Vườn Di sản ASEAN.