Phát bệnh sau khi bị chuột cắn

Sodoku là bệnh sốt hiếm gặp, lây trực tiếp qua các vết cắn, cào hoặc gián tiếp thông qua tiếp xúc, ăn thức ăn lẫn nước tiểu của chuột chứa mầm bệnh.

Trong lúc đi tắm, nam bệnh nhân T. (39 tuổi, trú tại Hà Tĩnh) vô tình giẫm phải chuột cống và bị cắn vào mu bàn chân phải. Do chủ quan không xử lý vết thương, sau 4 ngày, anh bắt đầu có hiện tượng sốt cao. Vết chuột cắn cũng bắt đầu mưng mủ.

Không xử lý vết thương sau khi bị chuột cắn

Bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, với mu bàn chân sưng tấy, có mủ, toàn thân sốt cao, nổi hạch. Tại đây, anh được chẩn đoán mắc bệnh Sodoku do chuột cắn.

 Do chủ quan không xử lý vết thương chuột cắn, nam bệnh nhân gặp hiện tượng sốt cao dẫn đến phải nhập viện. Ảnh: L.T.N.

Do chủ quan không xử lý vết thương chuột cắn, nam bệnh nhân gặp hiện tượng sốt cao dẫn đến phải nhập viện. Ảnh: L.T.N.

"Thông thường, bệnh nhân bị Sodoku sẽ được điều trị theo phác đồ kháng sinh. Nếu được chẩn đoán bệnh sớm, người bệnh có thể không gặp các biến chứng nặng. Ngược lại, nếu không kịp thời phát hiện bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện biến chứng nhiễm khuẩn huyết, áp xe… gây khó khăn trong việc điều trị", bác sĩ Nguyễn Thanh Đạt, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay.

Trước đó, một nam bệnh nhân 70 tuổi cũng không xử lý vết thương khi bị chuột cắn vào mu bàn chân. Năm ngày trước khi nhập viện, người bệnh bị sốt cao, sưng đau nhức mu chân phải, đi lại hạn chế, vết cắn bắt đầu có dấu hiệu hoại tử ướt.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ông được chẩn đoán mắc bệnh Sodoku do chuột cắn. Sau 10 ngày điều trị, người bệnh khỏi hoàn toàn và được xuất viện.

Căn bệnh hiếm gặp

Sodoku do chuột cắn là một căn bệnh hiếm gặp, lây trực tiếp qua các vết cắn, cào hoặc gián tiếp thông qua tiếp xúc, ăn thức ăn có lẫn nước tiểu của chuột chứa mầm bệnh.

Theo bác sĩ Đạt, hầu hết chuột dù mang vi khuẩn trong cơ thể nhưng không có triệu chứng và biểu hiện bệnh lý.

Khi bị chuột cắn, nạn nhân cần làm sạch vết thương bằng nước sát trùng, theo dõi vết thương. Nếu xuất hiện tình trạng nổi hạch, sốt, mưng mủ vết thương, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 Khi bị chuột cắn, người dân cần xử lý vết thương và theo dõi. Ảnh: Shutterstock.

Khi bị chuột cắn, người dân cần xử lý vết thương và theo dõi. Ảnh: Shutterstock.

Theo bác sĩ Đạt, bệnh nhân bị sốt chuột cắn thường có những triệu chứng như: Sốt cao đột ngột kèm đau cơ, đau khớp khi di chuyển, nôn mửa, viêm họng và đau đầu. Các triệu chứng trên biểu hiện rầm rộ nhưng vết cắn, vết xước, vết thương lại thường không viêm tấy.

Những người mắc bệnh sốt chuột cắn qua đường tiêu hóa có thể xuất hiện hiện tượng nôn mửa nghiêm trọng hơn, viêm họng nhiều hơn so với những người mắc bệnh qua vết cắn.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp diệt chuột; vệ sinh khu nhà ở, khu dân cư sạch, thoáng nhằm loại bỏ nơi trú ẩn của chuột; không nên nuôi chuột; không ăn các thức ăn, đồ uống nghi ngờ có sự tiếp xúc của chuột.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-benh-sau-khi-bi-chuot-can-post1433916.html