Phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tại hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng 10/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong suốt chặng đường qua, khẳng định Phú Thọ hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển nhanh và bền vững, là trung tâm phát triển của vùng. Báo Phú Thọ xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Thưa các vị đại biểu, khách quý, thưa đồng chí, đồng bào.

Hôm nay, tại Đất Tổ thiêng liêng, nơi khởi nguồn của Tổ quốc và Dân tộc Việt Nam tôi rất vui mừng thay mặt Thủ tướng Chính phủ dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tình cảm cá nhân tôi cùng các đồng chí trong đoàn công tác của Trung ương xin gửi tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ cùng toàn thể các đồng chí, quý vị đại biểu những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí,

Phú Thọ có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, nằm ở trung tâm kết nối tiểu vùng Đông Bắc với tiểu vùng Tây Bắc và trục hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc). Đây cũng là nơi hợp lưu của ba con sông lớn (sông Hồng, sông Đà và sông Lô). Vị trí địa lý cùng với sự đa dạng của tự nhiên là điều kiện thuận lợi để Phú Thọ liên kết không gian, mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối liên vùng, nhất là hệ thống đường cao tốc đã và đang được đầu tư và phát triển đồng bộ. Đặc biệt, Phú Thọ là vùng Đất Tổ, nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, của truyền thống lịch sử và là nơi lưu giữ những trầm tích văn hóa, giá trị cội nguồn của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Phát huy những tiềm năng, lợi thế đó, hơn 25 năm qua, kể từ ngày tái thành lập, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, anh hùng, cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế đã phục hồi, phát triển nhanh với tốc độ ấn tượng, đạt 7,58% vào năm 2023, thuộc nhóm 15 địa phương cao nhất trong cả nước. Quy mô nền kinh tế vượt mốc 100.000 tỉ đồng, cao gấp 4 lần so với năm 2010. Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số PAPI, SIPAS, nằm trong tốp 10 của các địa phương dẫn đầu. Các chỉ số PCI, PAR INDEX nằm trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố đã đưa Phú Thọ trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư, trong đó nguồn vốn đầu tư trong nước năm 2023 tăng 19,5%; đầu tư nước ngoài tăng 20.3%. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư với 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm được triển khai nhanh và đang vượt tiến độ.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Giáo dục – đào tạo là điểm sáng của khu vực trung du, miền núi phía Bắc. An sinh xã hội được chú trọng, gia đình chính sách, người có công với nước, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm chăm sóc, hỗ trợ; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,49%.

Tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thay mặt đồng chí Thủ tướng Chính phủ, xin được ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong suốt chặng đường phát triển vừa qua.

Thưa các đồng chí!

Quy hoạch tỉnh Phú Thọ được công bố ngày hôm nay là một bước để cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thể hiện khát khao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Phú Thọ trong việc hiện thực hóa các mục tiêu, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là một trong những trung tâm văn hóa lễ hội gắn với cội nguồn dân tộc Việt Nam; một trong ba cực tăng trưởng trong trục động lực vành đai Bắc Giang- Thái Nguyên và Phú Thọ; trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logictic của tiểu vùng Tây Bắc; là nơi đáng sống, nơi đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Quy hoạch này sẽ mở ra một không gian phát triển mới, dựa trên những tiềm năng, lợi thế riêng có, khai thác thế mạnh liên kết vùng, đặc biệt là với vùng Thủ đô để tạo ra những động lực mới cho Phú Thọ phát triển.

Thưa các đồng chí!

Đến dự hôm nay tôi cho rằng hơn ai hết Đảng bộ, quân và dân Phú Thọ hiểu rất rõ lợi thế và thách thức của mình. Để đạt được những mục tiêu tham vọng này, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ khi Phú Thọ triển khai các bước, nhiệm vụ, cụ thể của Quy hoạch. Phát triển công nghiệp phải theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; giữ vững vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cùng với đó phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tính toán các phương án để không gia tăng sức ép cơ học với dân số và xã hội. Tôi nói như vậy vì ở đây chúng ta không có nhiều quỹ đất và không gian. Chúng ta phải phát triển dựa trên các yếu tố đồng bộ cùng với nguồn nhân lực, phát triển với công nghệ chất lượng cao, trong đó tính toán đến việc không làm tăng thêm sức ép cơ học đối với dân số và xã hội trong khi hạ tầng về công nghiệp, giao thông, xã hội, văn hóa ... chưa đáp ứng.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm dịch vụ chất lượng và giá trị gia tăng cao; hình thành chuỗi cung ứng, phân phối hiện đại và trở thành một trong những trung tâm thương mại, logistic của vùng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh muốn phát triển logistic thì phải quan tâm phát triển đồng bộ và phải bắt đầu ngay từ khi này phải quy hoạch đồng bộ các phương thức giao thông, từ giao thông đô thị đến giao thông kết nối các đường cao tốc, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, giao thông thủy nội địa... vì nếu ta không có tầm nhìn, không phân tích chi phí, lợi ích để phát triển thì chi phí rất lớn và đặc biệt phải coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch văn hóa gắn với du lịch tự nhiên, sinh thái, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung thông minh gắn với chuỗi giá trị chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Để đạt được những mục tiêu này, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường. Tỉnh cần đặt ra bài toán phát triển đô thị làm động lực phát triển kinh tế; quy hoạch đồng bộ hệ sinh thái gồm các khu công nghiệp, khu vực nông nghiệp công nghệ cao, các dịch vụ hiện đại. Để tạo ra việc làm thì mới tạo ra đô thị bền vững được. Ở đây ta phải lấy Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030 là cả nước ta tối thiểu 45% là đô thị. Thế thì đối với Phú Thọ vấn đề này vẫn còn dư địa rất lớn, bởi vì chúng ta chưa phát triển nên để đạt được điều đó phải có những giải pháp hết sức cụ thể. Cá nhân tôi cho rằng đây là quy hoạch có tính định hướng, chúng ta đã có quy hoạch vùng, đã có quy hoạch tổng thể Quốc gia, chúng ta đã có quy hoạch tỉnh thì quy hoạch đô thị chính là đặt ra một bước nữa cụ thể hóa quy hoạch tỉnh này. Tôi rất mong là Phú Thọ sẽ có những sáng kiến, ý tưởng tốt trong vấn đề lựa chọn những nhà tư vấn thật tốt để tiếp tục cụ thể hóa các quy hoạch như quy hoạch xây dựng mạng lưới đô thị nông thôn và đặc biệt là các quy hoạch liên quan đến quy hoạch vùng, quy hoạch chung về đô thị cũng như các quy hoạch phân khu chức năng.

Tôi rất mong, sau quy hoạch tỉnh này chúng ta phải đầu tư có một kế hoạch, và có những dự án bằng nguồn vốn nhà nước, nguồn vốn huy động xã hội hóa để chúng ta cụ thể hóa và phủ đầy trên từng không gian của tỉnh. Khi nào từ quy hoạch chung này, từ nguồn tài nguyên quy hoạch tỉnh này có thêm nhiều quy hoạch cụ thể, mà chúng ta có thể công bố với các nhà đầu tư và người dân thì chúng ta mới thành công. Khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch. Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu chức năng bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh.

Lộ trình phát triển phải hướng tới mục tiêu chuẩn đồng bộ, hài hòa với các yếu tố môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiện đại văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa, khai thác được hết thế mạnh tự nhiên, kết nối với mạng lưới đô thị của vùng với đô thi nông thôn. Ở đây đang có một tư duy tôi cho rằng, Bộ Xây dựng đang xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới đô thị và nông thôn, tôi đề nghị chúng ta cần kết nối để cụ thể hóa quy hoạch của chúng ta. Trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, cần ưu tiên đầu tư các dự án động lực, có tác động lan tỏa lớn, lựa chọn các dự án theo tiêu chuẩn xanh, suất đầu tư lớn, công nghệ cao và sử dụng tiết kiệm đất. Cùng với đó phải bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc, biểu tượng tự hào của triệu triệu con tim mang dòng máu Lạc Hồng hướng về cội nguồn, khát vọng thống nhất, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, minh triết độc đáo của Quốc gia dân tộc, làm nên sức mạnh Việt Nam. Tài nguyên văn hóa không chỉ là sức mạnh tinh thần nội sinh mà chính còn là nguồn lực vật chất để Phú Thọ phát triển đột phá thông qua phát triển du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, du lịch tự nhiên, sinh thái, du lịch nông nghiệp.

Tỉnh cần tập trung nghiên cứu, đầu tư phát triển thành phố Việt Trì - thành phố của lễ hội đặc sắc, độc đáo, nơi hội tụ các di sản... Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng phải mang tầm Quốc gia. Về vấn đề này tôi rất mong muốn chúng ta phải cụ thể hóa bằng các quy hoạch chung của đô thị và các quy hoạch phân khu cụ thể, thậm chí cần tổ chức lựa chọn những ý tưởng liên quan đến quy hoạch khu vực này. Cần gắn kết du lịch văn hóa với du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe. Tăng cường quảng bá thương hiệu và kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch của các địa phương trong tỉnh với các tỉnh trong vùng.

Với những bài học thành công trong thời gian qua, Phú Thọ cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số, chuyển đổi số...Bên cạnh đó, nằm ở vùng Trung du miền núi, Phú Thọ là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt, với vị trí ở thượng nguồn các con sông lớn, Phú Thọ cần chú trọng bảo vệ nguồn nước và phát triển rừng, tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường. Trong quá trình thực hiện các quy hoạch cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu về thiên tai, tai biến về địa chất để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Thưa các đồng chí!

Với truyền thống lịch sử văn hóa, lòng tự hào quê hương Đất Tổ, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, chúng ta có niềm tin rằng Phú Thọ sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc như trong Quy hoạch đã đặt ra.

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/trong-tinh/phat-bieu-cua-pho-thu-tuong-chinh-phu-tran-hong-ha-tai-hoi-nghi-cong-bo-quy-hoach-tinh-phu-tho-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050/205248.htm