Phạt đến 3 triệu đồng nếu không đeo khẩu trang để phòng chống dịch

Theo quy định tại Nghị định 117/2020, hành vi không đeo khẩu trang để phòng, chống dịch có thể bị phạt tới 3 triệu đồng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vẫn ghi nhận số ca mắc và sự xuất hiện nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế vừa ban hành “Hướng dẫn sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng”, đồng thời chỉ rõ một số đối tượng, địa điểm bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Theo Bộ Y tế, việc sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng là một biện pháp dự phòng cá nhân góp phần làm giảm sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân nhất là đối tượng nguy cơ cao như người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người béo phì.

Sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng là một biện pháp dự phòng cá nhân - Ảnh: Ngô Nhung

Sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng là một biện pháp dự phòng cá nhân - Ảnh: Ngô Nhung

Nơi công cộng được hiểu là nơi phục vụ chung cho nhiều người tại những địa điểm có không gian kín như rạp hát, rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng... hoặc các địa điểm có không gian mở như sân vận động, công viên, đường phố, bến xe,...

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020 xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, tại điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020 quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế bao gồm: Đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và các biện pháp khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng hướng dẫn đeo khẩu trang của Bộ Y tế vừa ban hành phù hợp trong điều kiện hiện nay. Theo ông Phu, đeo khẩu trang là biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp không chỉ với Covid-19 mà cả cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.

"Với dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Vừa qua, sự xuất hiện các biến thể phụ của Omicron cho thấy những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1. Do đó, trong thời điểm này, việc đeo khẩu trang là cần thiết với các đối tượng như Bộ Y tế hướng dẫn, nhất là khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại" - PGS Phu nhấn mạnh.

Cũng theo PGS Trần Đắc Phu, thực tế thời gian qua người dân đã có nhiều thay đổi về nhận thức trong việc đeo khẩu trang cũng như thực các biện pháp dự phòng cá nhân. "Hiện nay chúng đã đã có các quy định xử phạt người không tuân thủ yêu cầu phòng dịch, trong đó có việc không đeo khẩu trang. Tuy vậy, thời điểm này cần tăng cường truyền thông, vận động, nhắc nhở người dân hình thành các thói quen tốt và thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19" - PGS Phu nói.

Nghị định 117/2020 quy định việc không đeo khẩu trang có thể bị phạt 1-3 triệu đồng

Nghị định 117/2020 quy định việc không đeo khẩu trang có thể bị phạt 1-3 triệu đồng

Trước đó, tại hướng dẫn mới nhất, Bộ Y tế chỉ ra các trường hợp, địa điểm bắt buộc phải sử đeo khẩu trang bao gồm:

Người có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh Covid-19.

Tất cả đối tượng (trừ trẻ dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4.

Tại cơ sở y tế; nơi cách ly; nơi lưu trú có người đang cách ly hoặc đang theo dõi, giám sát y tế: Áp dụng với tất cả đối tượng (trừ người cách ly ở phòng đơn; người bị suy hô hấp, người bệnh đang thực hiện thủ thuật y tế, trẻ dưới 5 tuổi). Đối với nhân viên y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện theo Hướng dẫn về lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ban hành kèm theo Quyết định số 2171/QĐ-BYT ngày 5.8.2022 của Bộ Y tế.

Khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng: Áp dụng với cả hành khách, người điều khiển, người phục vụ, nhân viên phục vụ, người quản lý, lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc với hành khách.

Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối: Áp dụng với nhân viên phục vụ, quản lý, lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Tại nơi có không gian kín, thông khí kém như quán bar, vũ trường, karaoke, làm đẹp, phòng tập thể dục, quán ăn, rạp chiếu phim, nhà hát, trường quay... Áp dụng với nhân viên, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Tại cơ sở văn hóa, du lịch, những nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người: Áp dụng với nhân viên phục vụ, quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc với khách hàng và người tham dự.

Tại những nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch: Áp dụng với nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc với khách hàng.

Ngoài hướng dẫn về đeo khẩu trang, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.

Thực hiện tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp về THUỐC + ĐIỀU TRỊ + CÔNG NGHỆ + Ý THỨC NGƯỜI DÂN và các biện pháp khác.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/phat-den-3-trieu-dong-neu-khong-deo-khau-trang-de-phong-chong-dich-20220908115130484.htm