Phát động 'Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023'

Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về 'tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới', đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 1/2, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương phân công Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phát động 'Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023' (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) bằng hình thức trực tiếp kết nối trực tuyến từ Trung tâm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: TTXVN

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35) Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi chủ trì buổi họp báo. Dự họp báo tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh.

Cuộc thi được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thông qua cuộc thi cũng tiếp tục phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng, hình thành mạng lưới rộng khắp trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các thế lực cơ hội, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ. Nâng cao chất lượng các tác phẩm chính luận trên báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội nhằm tuyên truyền, lan tỏa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đối tượng dự thi là người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; người nước ngoài có bài viết chính luận phù hợp với tiêu chí của cuộc thi. Tác phẩm dự thi chưa từng được đăng tải hoặc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trước thời điểm phát động cuộc thi.

Chủ đề tác phẩm tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm như: giá trị khoa học, cách mạng và thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những đề xuất bổ sung, phát triển; bảo vệ, lan tỏa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Ban Tổ chức sẽ trao giải theo 3 loại hình tác phẩm dự thi gồm: Loại hình bài Tạp chí, loại hình Báo và loại hình phát thanh/truyền hình/video clip. Mỗi loại hình gồm: 1 giải Đặc biệt, 3 giải A, 5 giải B, 7 giải C, 10 giải Khuyến khích. Đồng thời, Ban Tổ chức trao 15 giải tập thể xuất sắc cho các cơ quan, tổ chức, địa phương.

Phát biểu chỉ đạo và phát động cuộc thi, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Việc tổ chức cuộc thi nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị khóa XII về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" và triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Công tác chuẩn bị cho cuộc thi lần thứ Ba được tiến hành ngay sau khi kết thúc cuộc thi lần 2. Việc triển khai tổ chức cuộc thi phải hết sức linh hoạt không chỉ trong Ban chỉ đạo mà còn mở rộng sang các địa chỉ có lực lượng đông đảo rộng rãi và các phương tiện thông tin đại chúng để mở rộng sự lan tỏa của cuộc thi. Mở rộng đối tượng tham gia cuộc thi là các nhà khoa học, các chuyên gia, thanh niên, sinh viên tại các trường đại học.

Thường trực các tỉnh, thành ủy, Ban Tuyên giáo, Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phải quan tâm vào cuộc, thành lập Ban chỉ đạo cuộc thi tại địa phương để lựa chọn tác phẩm dự thi, chia sẻ những bài đạt giải cao để lan tỏa đến đông đảo nhân dân.

Các tác phẩm dạng viết, mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 02 tác phẩm tham gia dự thi gồm: 01 bài viết chính luận loại hình Tạp chí (Tạp chí in hoặc Tạp chí điện tử) và 01 bài viết chính luận loại hình Báo (Báo in hoặc Báo điện tử). Mỗi bài viết gửi tham gia dự thi gồm bản in (khổ A4) và file mềm (định dạng Microsoft Word).

Các tác phẩm dạng âm thanh, hình ảnh, mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm dự thi: 01 tác phẩm loại hình báo nói (phát thanh); 01 tác phẩm loại hình báo hình (truyền hình) và 01 tác phẩm dưới dạng video clip. Mỗi tác phẩm dự thi gồm file âm thanh/hình ảnh và bản in kịch bản văn học (định dạng Microsoft Word).

Tác phẩm dự thi là tác phẩm sáng tạo lần đầu, chưa từng được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trước thời điểm phát động Cuộc thi. Các tác phẩm dạng viết phải bảo đảm tỷ lệ không trùng lặp theo quy định (không trùng lặp quá 20% đối với thể loại Tạp chí, không trùng lặp quá 25% đối với thể loại Báo so với các công trình đã công bố của chính tác giả/nhóm tác giả hoặc của tác giả/nhóm tác giả khác). Sau khi gửi tác phẩm dự thi về Ban Tổ chức, tác giả/nhóm tác giả có thể đăng tải tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng phải thông báo cho cơ quan đã nhận tác phẩm dự thi và gửi minh chứng kèm theo.

Ban Tổ chức nhận tác phẩm dự thi bắt đầu từ khi phát động Cuộc thi (ngày 01/02/2023) cho đến hết ngày 31/07/2023 (tính theo dấu bưu điện). Lễ công bố và trao giải cuộc thi được tổ chức vào tháng 10/2023, nhân dịp sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".

Trần Dũng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-dong-cuoc-thi-chinh-luan-ve-bao-ve-nen-tang-tu-tuong/d20230201140629506.htm