Phát động Giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam' lần thứ VIII
Chiều 16/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo phát động Giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam' lần thứ VIII, năm 2025.
Tôn vinh những cống hiến cho sự nghiệp trồng người
Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII - năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Nhà báo Việt Nam. Báo Giáo dục và Thời đại được giao là đơn vị thường trực tổ chức thực hiện.

Họp báo phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII, năm 2025
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, năm 2025 là năm thứ 8 Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” được tổ chức. Giải nhằm tôn vinh tác giả có tác phẩm báo chí viết về sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đồng thời tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thông qua Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, xã hội có cơ hội nhìn nhận và đánh giá khách quan về những đóng góp của ngành Giáo dục với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; giúp xã hội hiểu đúng, đầy đủ về giáo dục, từ đó chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành với thầy, cô giáo trên cả nước nói riêng và toàn ngành Giáo dục nói chung.
Theo Ban Tổ chức, mùa giải năm 2024 đã nhận được hơn 800 tác phẩm tham dự ở 4 loại hình báo chí, gồm báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Các tác phẩm được đánh giá có chất lượng tốt, phản ánh đậm nét đời sống giáo viên, bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục, để lại ấn tượng sâu sắc nhờ sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại họp báo
Ghi nhận sự đồng hành của báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, đóng góp những tác phẩm báo chí xuất sắc về giáo dục.
Tại buổi họp báo, ông Lê Thanh Kim, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Hội đồng Giám khảo, đánh giá cao sự lan tỏa của Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”. Ông cho rằng, nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc nhờ sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức, đi sâu phân tích những vấn đề nóng của ngành Giáo dục, ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức, nhấn mạnh, sau 7 năm tổ chức, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” đã khẳng định uy tín nghề nghiệp, là nơi tôn vinh những tác phẩm báo chí chất lượng, truyền cảm hứng, cổ vũ đổi mới giáo dục vì một nền giáo dục nhân văn, tiến bộ, hội nhập. Ban Tổ chức kỳ vọng, mùa giải năm nay sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những câu chuyện, hình ảnh đẹp, xúc động và chân thực về ngành Giáo dục, về thầy cô giáo, học sinh và những đổi thay giáo dục từ chính sách tới thực tiễn.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu
Quy định tham dự và tiêu chí xét giải chặt chẽ
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm thông tin về thể lệ giải, tác giả tham gia Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII, năm 2025 phải là công dân Việt Nam có tác phẩm báo chí về lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, phù hợp với tiêu chí của Giải. Tác giả dự giải không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác, không trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc không trong quá trình xem xét kỷ luật hay đang bị cơ quan điều tra về sai phạm liên quan.
Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm tham dự Giải, mỗi tác phẩm không quá 5 kỳ. Thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo, Tổ Thư ký không được tham dự. Tác phẩm tham dự phải được đăng, phát từ ngày 5/9/2024 đến hết ngày 4/9/2025; nếu là loạt bài nhiều kỳ thì ít nhất 2/3 số tác phẩm phải nằm trong khoảng thời gian này. Không xét tác phẩm đang chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền, tác phẩm đoạt giải báo chí Quốc gia hoặc các giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác, các tác phẩm có tranh chấp bản quyền.

Ông Lê Thanh Kim, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Hội đồng Giám khảo phát biểu
Về tiêu chí xét giải, Ban Tổ chức yêu cầu tác phẩm phải bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề giáo dục đang được dư luận quan tâm, có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục, hiệu quả xã hội cao, phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo, có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới giáo dục. Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu. Các hoạt động giáo dục tiêu biểu triển khai tại các địa phương, cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, các tập thể, cá nhân có nhiều giải pháp, kết quả nổi bật theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận 91-KL/TW, Nghị quyết 57-NQ/TW, những câu chuyện xúc động về hình ảnh người thầy đều được khuyến khích.
Ông Lê Thanh Kim cho biết, khi chọn đề tài dự giải, yếu tố quan trọng là tính mới, có phân tích thực tiễn, đánh giá dư luận, tham khảo ý kiến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như đội ngũ nhà giáo. Cách thức triển khai bài viết cần hấp dẫn, dày dặn.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm cũng nhấn mạnh, nhiều chính sách giáo dục đang được quan tâm như: Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp đang được sửa đổi, bổ sung; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới các kỳ thi, sức khỏe học đường, bạo lực học đường, an toàn vệ sinh trường học… đều là những vấn đề mà các phóng viên, nhà báo có thể được phản ánh.
Về cơ cấu giải, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII có 1 Giải Đặc biệt (Bằng khen Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và 60 triệu đồng), mỗi loại hình có 1 Giải Nhất (30 triệu đồng), 2 Giải Nhì (15 triệu đồng), 3 Giải Ba (10 triệu đồng) và một số Giải Khuyến khích (5 triệu đồng). Ngoài ra, nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải sẽ nhận biểu trưng và phần quà trị giá 10 triệu đồng. Giải phụ sẽ do Ban Tổ chức quyết định tùy tình hình thực tế.