Phật giáo góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc
Vai trò của Phật giáo tại Việt Nam đã nổi lên với sự đặc biệt, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và duy trì cộng đồng người Việt qua thời gian.
Trong bối cảnh xã hội đương đại đang chứng kiến sự biến đổi nhanh chóng, tầm quan trọng của tôn giáo đã nở rộ hơn bao giờ hết, không chỉ ở khía cạnh tâm linh mà còn trong việc bảo vệ và thúc đẩy văn hóa, giá trị, cũng như tạo dựng tư duy của mỗi cá nhân.
Vai trò của Phật giáo tại Việt Nam đã nổi lên với sự đặc biệt, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và duy trì cộng đồng người Việt qua thời gian. Các biểu tượng tôn thờ cùng với tri thức triết học Phật giáo đã tạo nên một tầm ảnh hưởng đặc trưng, gắn kết mọi tầng lớp xã hội và tạo hình cho diễn biến của thời đại.
Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp về sống có ích, sống tận hiến
Thời gian qua, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào hiến mô, tạng và sự vào cuộc của giáo hội Phật giáo Việt Nam, số lượng người đăng ký hiến mô tạng trên cả nước đã tăng lên rất nhiều. Điều đó là tín hiệu mừng cho phong trào hiến mô tạng tại Việt Nam.
Phó Giáo sư Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ca chết não hiến tạng đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 5/2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức. Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm có 10-11 ca chết não hiến tạng. Riêng năm 2023, có 14 ca chết não hiến mô, tạng.
Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2024 có 25 ca chết não hiến mô, tạng, góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép (tương đương 10,49%). Đây được coi là con số kỷ lục của Việt Nam vì trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não chỉ chiếm khoảng 5-6%.
Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng. Hiện nay, theo thống kê từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tính đến ngày 6.6.2024 đã có 95.607 người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tạng và kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, vùng miền tình nguyện đăng ký hiến tạng. Riêng số liệu thống kê từ ngày Thủ tướng Chính phủ phát động (19.5) và sự vào cuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đến nay đã có thêm hơn 11.000 người đăng ký hiến tạng. Nhiều cuộc đời đã được hồi sinh nhờ tấm lòng từ bi hỷ xả của những người hiến tạng và gia đình của những người hiến tạng với tinh thần cho đi là còn mãi.
Như trường hợp người bệnh Lê Tiến S. (nam, sinh năm 1988, ở Hà Nam) bị đột quỵ sau đó chết não. Gia đình bệnh nhân đã có nghĩa cử cao đẹp hiến tạng của con trai để cứu giúp 4 người khác. Đặc biệt, quả tim của người hiến được vận chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào Huế ghép tim cho một bệnh nhân suy tim; gan được vận chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 để ghép cho người bệnh suy gan; 2 thận được các Thầy thuốc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sang triển khai ghép ngay tại Bệnh viện Bạch Mai cho 2 người bệnh suy thận giai đoạn cuối.
Ông Lê Tấn Sáu (ở Thanh Liêm, Hà Nam) - bố của bệnh nhân S. chia sẻ sau khi nghe các y bác sỹ giải thích về tình trạng của con, gia đình nén đau thương vì xác định bệnh của con quá nặng.
"Được chia sẻ về hành động hiến tạng cứu người bệnh khác, tôi đã bàn bạc với gia đình và đồng ý hiến đa tạng của con trai với hi vọng cho đi là còn mãi. Đây là hoạt động có ý nghĩa và gia đình cũng mong muốn nhiều người không may qua đời do tai nạn, đột quỵ có thể hiến tạng giúp đỡ người bệnh khác," ông Sáu cho hay.
Khi chứng kiến thước phim tư liệu các thầy thuốc cúi đầu tri ân con trai trước khi lấy tạng và cả hội trường Bệnh viện Bạch Mai đã dành phút tưởng niệm đến người hiến tạng, rồi trái tim của con trai ông đã đập trở lại trong thời gian ngắn trên cơ thể người nhận có lẽ ông cũng nguôi ngoai phần nào những mất mát vừa qua.
Những trường hợp đăng ký hiến tạng như gia đình ông Sáu đã góp phần lan tỏa nghĩa cử cao đẹp về sống có ích, sống tận hiến và trao tặng những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Nhờ vậy, số lượng đơn đăng ký hiến tạng đang ngày càng tăng mạnh.
Phật giáo với Phương châm “1 đẩy mạnh-2 tiên phong-3 trọng tâm”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu-Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại rất tôn trọng, khâm phục tinh thần hy sinh cao cả của những người sáng lập ra Phật giáo, Kitô giáo và cho rằng mục đích cao cả của các vị ấy giống nhau ở chỗ họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Phật giáo đã bén rễ, ăn sâu và hòa nhập vào xã hội Việt Nam, trở thành một thành tố của nền văn hóa truyền thống cao đẹp của người Việt Nam, văn minh, văn hiến Việt Nam. Trong suốt gần 80 năm qua, Phật giáo đã có những tác động, ảnh hưởng tích cực và đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng ta lãnh đạo. Với những triết lý sâu sắc và tinh thần "Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội," các hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội của Phật giáo luôn hướng đến con người, vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc.
“Kết hợp và hòa quyện với tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân ta, đây cũng chính là một trong những nhân tố góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc ta trong suốt quá trình kháng chiến, kiến quốc, đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc ngày nay,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhiều tăng ni, phật tử đã trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo đã trở thành nơi che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng, nhiều nhà sư đã lên đường ra mặt trận, nhiều người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, cùng với các tôn giáo khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và phật tử trên khắp mọi miền của đất nước đã có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực, góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ cho biết đất nước ta có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng-mỗi tín ngưỡng, tôn giáo mang những nét văn hóa riêng, nhưng đều hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ, bởi vậy có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng, thống nhất trong đa dạng. Cùng với các tín ngưỡng, tôn giáo khác, Phật giáo Việt Nam đã định hướng đời sống tinh thần và xây dựng các chuẩn mực đạo đức, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy đất nước phát triển.
Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động giao lưu quốc tế, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Phật giáo thế giới; qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần khẳng định chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.
Thủ tướng chỉ rõ, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cần được phát huy hơn bao giờ hết, trong đó các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng. Thủ tướng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện phương châm “1 đẩy mạnh-2 tiên phong-3 trọng tâm."
Cụ thể, đẩy mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết trong nhân dân; tiên phong vận động đồng bào cả nước hiến tạng, hiến máu cứu người với tinh thần “Cho đi là còn mãi," đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong cả nước. Tiên phong chống mê tín, dị đoan, bảo đảm hoạt động tôn giáo vui tươi, lành mạnh với tinh thần "Đạo và đời-đời và đạo," kiên quyết không để các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để chống lại Nhà nước, dân tộc, nhân dân, hoặc trục lợi, vì động cơ cá nhân, vi phạm quy định cả về Phật pháp và pháp luật.
Cùng với đó, thực hiện “3 trọng tâm”: góp phần giáo dục lòng yêu nước, thương dân trong phật tử và trong toàn xã hội với tinh thần "Hộ quốc an dân"; sống tốt đời đẹp đạo, phát huy hiệu quả hơn nữa tư tưởng “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”; góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không để ai bị bó lại phía sau với tinh thần "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng," "Thương người như thể thương thân," “Lá lành đùm lá rách," "Lá rách đùm lá rách hơn," nhất là trong khó khăn, hỏa hoạn, thiên tai, bão lũ...
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán nguyên tắc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động tinh thần lành mạnh, chính đáng, hợp pháp của tín đồ các tôn giáo, thể hiện đầy đủ bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành công trong công tác Phật sự; hoạt động và phát triển theo định hướng “Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển” mà Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX đã đề ra, hướng dẫn tăng ni, tín đồ phật tử Phật giáo Việt Nam tiếp tục thực hiện phương châm hoạt động “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội," đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho hay năm 2024 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.
Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bám sát chương trình, chủ trương hoạt động của Giáo hội là “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội," “Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển” và “Tốt đời, đẹp đạo," đạt nhiều kết quả quan trọng. Giáo hội tổ chức Đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; ủng hộ xây dựng 500 căn nhà Tình nghĩa, với trị giá 60 tỷ đồng tặng người khó khăn về nhà ở tỉnh Điện Biên; tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ XIX tại Thái Lan... Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng, ni, đồng bào phật tử toàn quốc tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Hiến chương của Giáo hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, văn minh, thịnh vượng và hội nhập.
Vai trò của Phật giáo trong văn hóa và đời sống tâm linh của người Việt Nam không chỉ dừng lại ở quá khứ mà vẫn đang tiếp tục viết nên câu chuyện đầy tính nhân văn ở tương lai. Sự kết nối sâu sắc giữa tôn giáo và cuộc sống hàng ngày, giữa tâm linh và tri thức, sẽ tạo ra một nền văn hóa nhân bản tốt lành, đa dạng cho người Việt, đồng thời góp phần vào sự hòa hợp và phát triển quốc gia hưng thịnh.
Phật giáo Việt Nam luôn hướng đến việc ích đời, lợi đạo, thông qua công tác hoằng dương phật pháp, đưa đến cho người dân tư tưởng sống trong chính pháp, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Trong văn hóa Việt Nam có tinh thần Phật giáo, trong lòng Phật giáo có văn hóa dân tộc. Sự kết hợp đã tạo nên một sức mạnh tinh thần cho cả cộng đồng dân tộc Việt Nam./.