Phát hành hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, lãi suất bình quân 2,92%
6 tháng đầu năm 2025, Bộ Tài chính phát hành hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với lãi suất bình quân 2,92%/năm, góp phần đảm bảo cân đối ngân sách và huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Báo cáo về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 6/2025 và 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2024. Chi NSNN trong 6 tháng đầu năm ước đạt 1.102,1 nghìn tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tính đến ngày 30/6/2025, cơ quan này đã phát hành 201,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân 9,8 năm, lãi suất bình quân 2,92%/năm.

Bộ Tài chính phát hành hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2025
Về phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2025, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư từ NSNN, bao gồm vốn từ nguồn tăng thu, vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Đồng thời, các văn bản hướng dẫn phân bổ được ban hành kịp thời, bám sát mục tiêu và định hướng phát triển.
Tính đến cuối tháng 6, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 đạt 817,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 98,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương đạt 342,9 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương là 474,8 nghìn tỷ đồng. Số vốn chưa phân bổ còn lại là 9,7 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là vốn trong nước.
Đáng chú ý, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực trong tháng 6/2025. Trước áp lực tiến độ chậm, Bộ Tài chính đã báo cáo, đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ và đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập 7 tổ công tác đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Các tổ công tác đã làm việc trực tiếp với các bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy tiến độ, từ đó giúp mức giải ngân trong tháng 6 tăng rõ rệt. Lũy kế đến hết tháng 6, giải ngân đạt 268,1 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% kế hoạch, cao hơn khoảng 80 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024.
Liên quan đến công tác quản lý tài sản công, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành một số nghị định quan trọng nhằm siết chặt và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước. Cùng với đó, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xử lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích theo đúng chỉ đạo tại Công điện 125/CĐ-TTg. Ngoài ra, các hướng dẫn bổ sung về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản xác lập sở hữu toàn dân, và tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước cũng đã được ban hành, phục vụ yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp.
Về quản lý hàng dự trữ quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã xuất cấp tổng cộng 44.237 tấn gạo theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có 6.040 tấn phục vụ hỗ trợ Tết Nguyên đán, 4.267 tấn hỗ trợ giáp hạt, 33.602 tấn cấp cho học sinh, 328 tấn phục vụ trồng rừng và 10.000 tấn viện trợ cho Cuba.