Xã lớn, trách nhiệm lớn

Tháng 7-2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính tại Tuyên Quang, khi mô hình chính quyền hai cấp chính thức đi vào hoạt động. Sau hai tuần triển khai, các cán bộ, công chức cấp xã nỗ lực hết mình để bắt nhịp với guồng quay mới, đảm nhiệm hơn 1.000 nhiệm vụ từ cấp huyện chuyển xuống.

Tháng 7-2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính tại Tuyên Quang, khi mô hình chính quyền hai cấp chính thức đi vào hoạt động. Sau hai tuần triển khai, các cán bộ, công chức cấp xã nỗ lực hết mình để bắt nhịp với guồng quay mới, đảm nhiệm hơn 1.000 nhiệm vụ từ cấp huyện chuyển xuống. Bước đầu có những khó khăn, thách thức đòi hỏi mỗi cán bộ tự nâng cao năng lực và bản lĩnh để kiến tạo một chính quyền cơ sở vững mạnh, hiện đại.

Đồng chí Phạm Thị Kiều Trang, Bí thư Đảng ủy phường Bình Thuận đang chỉ đạo hoàn thiện văn kiện

Đồng chí Phạm Thị Kiều Trang, Bí thư Đảng ủy phường Bình Thuận đang chỉ đạo hoàn thiện văn kiện

Phân cấp nhiều, trách nhiệm lớn

Với mô hình “tỉnh rộng, xã lớn”, Tuyên Quang hiện có 124 xã, phường. Các xã, phường được sáp nhập từ 2 đến 6 xã, phường cũ, có diện tích và mật độ dân số tăng gấp 3-5 lần. Chính quyền xã có nhiều nhiệm vụ trọng trách mới, được giao quyền nhiều hơn do đó trách nhiệm mỗi cán bộ cũng phải lớn hơn.

Bà Hà Thị Thu, thôn 6 Quý Quân, xã Lực Hành có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất thổ cư để làm nhà ở. Chiều ngày 6-7 bà Thi đã mang theo giấy tờ đến Trung tâm phục vụ hành chính công xã Lực Hành để làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà Thi là một trong số người dân đã trải nghiệm sự thuận tiện này, khi đến làm thủ tục tại Trung tâm bà được cán bộ ở đây hướng dẫn tận tình. “Chỉ sau 20 phút, toàn bộ hồ sơ của bà đã được tiếp nhận và có giấy hẹn. Thật sự rất nhanh chóng và tiện lợi, đúng như bà kỳ vọng”. Bà Thu chia sẻ.

Mô hình chính quyền hai cấp đang đưa chính quyền cơ sở lại gần người dân. Sự thay đổi này không chỉ mang lại tiện ích cho người dân mà còn đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ địa phương.

Từng có nhiều năm làm Chánh Văn phòng Huyện ủy Lâm Bình sau khi sáp nhập, anh Trương Văn Quang được điều động và chỉ định làm Chủ tịch UBND xã Lâm Bình. Đồng chí Trương Văn Quang chia sẻ: “Xã Lâm Bình được hợp nhất xã Xuân Lập, Phúc Yên và thị trấn Lăng Can, có diện tích khá lớn là 327,65 km2; dân số: 6.999 người.

Cán bộ, công chức phường Hà Giang 2 trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.

Cán bộ, công chức phường Hà Giang 2 trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.

Các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã mới hiện nay rất nhiều và rất mới, trong đó có những lĩnh vực khá nhạy cảm như: quản lý đất đai, khoáng sản, xây dựng. Vì vậy, khi được giao nhiệm vụ mới, tôi phải tìm hiểu rất kỹ các quy định của pháp luật về các lĩnh vực, nhất là không được để tình trạng buông lỏng quản lý, dẫn đến sai phạm”.

Bên cạnh đó, vai trò của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã cũng được tăng cường rõ rệt. Đồng chí Thèn Văn Quân, Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm chia sẻ, giờ đây HĐND xã quyết định hầu hết các vấn đề hệ trọng của địa phương. Từ việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách, thông qua chính sách hỗ trợ nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chăm lo giáo dục, y tế, văn hóa, cho tới những quyết sách về an ninh quốc phòng địa bàn. Quyền nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn, yêu cầu cán bộ phải nhanh chóng thích nghi, nỗ lực chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ.

Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Sau hai tuần vận hành, nhiều cán bộ cấp xã đã cảm nhận rõ áp lực khi tiếp nhận một lượng lớn nhiệm vụ mới. Điều này đòi hỏi cán bộ xã phải vừa làm vừa nghiên cứu, học hỏi các quy định, nghị định, thông tư mới được ban hành liên tục.

Chị Phạm Thị Nguyệt, chuyên viên Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hà Giang 2 chia sẻ: “Có rất nhiều văn bản mới, chúng tôi phải dành thời gian ngoài giờ làm để đọc và tìm hiểu. Việc này khiến quá trình xử lý công việc đôi khi chưa được trơn tru như mong muốn. Chúng tôi luôn nỗ lực để hoàn thành công việc, đảm bảo việc tiếp nhận, chi trả hồ sơ, thủ tục hành chính nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp”.

Nói về khó khăn ban đầu, chị Hoàng Thị Thùy, chuyên viên Ủy ban MTTQ xã Lực Hành chia sẻ: “Có khá nhiều quy định, nghị định, thông tư mới được ban hành. Chúng tôi vừa làm vừa phải nghiên cứu, học hỏi nên thời gian đầu vận hành vẫn còn khó khăn”. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều cán bộ ở các xã khi tiếp cận với mô hình chính quyền mới.

Hành trình chuyển đổi số, mặc dù là xu thế tất yếu, cũng đang gặp phải nhiều “điểm nghẽn” khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Nhiều thủ tục còn phức tạp, các mục trên Cổng Dịch vụ công đôi khi khó hiểu, khiến người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi vẫn chọn nộp hồ sơ trực tiếp. Bà Trần Thị Hoa, thôn 5 Quý Quân, xã Lực Hành cho biết: “Tôi đã cố gắng nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng thấy nhiều mục chưa hiểu rõ. Cán bộ xã một lúc phải hướng dẫn nhiều người, khá là vất vả”.

Thêm vào đó, việc kiện toàn Tổ công nghệ số cộng đồng ở nhiều nơi còn chậm, dẫn đến thiếu cán bộ hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Trình độ kỹ năng số của một bộ phận cán bộ xã còn yếu cũng là một rào cản lớn, khiến họ chưa thể đáp ứng yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số.

Cán bộ Đoàn TNCS HCM xã Lực Hành thường xuyên đi cơ sở hướng dẫn người dân chuyển đổi số.

Cán bộ Đoàn TNCS HCM xã Lực Hành thường xuyên đi cơ sở hướng dẫn người dân chuyển đổi số.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Lương Thu Hiền, cán bộ văn phòng UBND xã Tân Trào cho biết: “Nhiều cán bộ còn gặp khó khăn khi sử dụng các phần mềm chuyên dụng hay thao tác trên Cổng Dịch vụ công. Dù đã được tập huấn, nhưng thực tế áp dụng vào công việc hàng ngày vẫn còn lúng túng, ảnh hưởng đến tốc độ xử lý và chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Chưa kể đến vấn đề một số người dân chưa đăng ký và kích hoạt định danh điện tử mức 2 khiến quá trình giải quyết hồ sơ gặp khó khăn”.

Một khó khăn nữa đang hiện hữu là tình trạng thiếu thốn trụ sở làm việc và cơ sở vật chất ở nhiều địa phương sau sáp nhập. Điển hình như tại xã Hùng Lợi, được sáp nhập từ xã Hùng Lợi cũ và xã Trung Minh. Hiện nay, trụ sở làm việc được đặt tại Hùng Lợi với hơn 60 cán bộ, dẫn đến tình trạng quá tải và thiếu không gian làm việc. Tương tự như xã Sơn Vĩ cũng đang phải đối mặt với thách thức tương tự. Nguyên nhân chính là do khoảng cách địa lý giữa các trụ sở xã cũ quá xa, không thể tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, gây khó khăn cho việc bố trí chỗ làm việc và sinh hoạt cho cán bộ.
Cán bộ phải tự nâng tầm

Những ngày này, chị Hoàng Thị Thùy, chuyên viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Lực Hành, khá bận rộn với khối lượng công việc của mình. Song hành thực hiện nhiệm vụ được giao tại cơ quan, chị chủ động dành thời gian nghiên cứu tài liệu, tham gia các khóa học online về AI, về chuyển đổi số để phục vụ công việc được tốt hơn.

Chị Thùy chia sẻ: “trước đây em là Bí thư đoàn xã Quý Quân. Hiện nay em là chuyên viên phụ trách công tác Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Lực Hành. Lực Hành sáp nhập từ 3 xã: Quý Quân, Lực Hành, Chiêu Yên. Công tác đoàn tại xã hiện có 2 cán bộ đảm nhiệm, khối lượng công việc nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn thế nên mình phải tự học hỏi để đáp ứng nhu cầu công việc”.

Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng, việc tự học, tự nghiên cứu, và tự nâng tầm chuyên môn là yêu cầu bắt buộc. Thời gian qua, anh Lìu Văn Thắng, cán bộ văn phòng UBND xã Pà Vầy Sủ đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu các quy định mới về quản lý tài chính cấp xã. Anh khẳng định: “Chúng tôi không thể chờ đợi các lớp tập huấn. Mọi người đều phải chủ động tìm hiểu, trau dồi kiến thức mới để đáp ứng được yêu cầu công việc. Sự thay đổi này đòi hỏi mỗi cán bộ phải là một “tấm gương” về tinh thần học hỏi”.

Song song với sự tự nỗ lực, việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ là vô cùng cần thiết. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tập huấn chi tiết, bám sát nhu cầu thực tiễn của từng nhóm đối tượng cán bộ. Các lớp học này sẽ giúp cán bộ cập nhật kiến thức, nâng cao nghiệp vụ, và giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình công tác”.

Để giải quyết “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số, việc kiện toàn Tổ công nghệ số tại cộng đồng là nhiệm vụ cấp bách. Các thành viên của tổ cần được tập huấn kỹ lưỡng để có đủ năng lực hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến một cách dễ dàng và thuận tiện. Đồng chí Ma Công Khâm, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu mỗi cán bộ phải nắm vững các kỹ năng số cơ bản. Đây là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc để phục vụ người dân trong thời đại số”.

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước như Phú Thọ, Ninh Bình, hay TP. Hồ Chí Minh đã chủ động điều chỉnh giờ làm việc hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn. So với giờ làm việc hiện tại ở Tuyên Quang, việc điều chỉnh này sẽ giúp cán bộ bắt đầu buổi sáng muộn hơn 30 phút và kết thúc buổi chiều sớm hơn 30 phút.

Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết thêm: “Trước những khó khăn thực tế về quãng đường di chuyển và sắp xếp cuộc sống của đội ngũ cán bộ cấp xã sau sáp nhập, tỉnh Tuyên Quang đang cân nhắc giải pháp điều chỉnh giờ làm hành chính, học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác. Đây được xem là một thay đổi linh hoạt, có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ, nâng cao hiệu quả làm việc chung”.

Chuyển đổi mô hình chính quyền hai cấp tại Tuyên Quang là một bước tiến mang nhiều kỳ vọng về một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả và gần dân hơn. Dù chặng đường phía trước còn không ít khó khăn và thách thức, nhưng đây cũng là động lực mạnh mẽ để mỗi cán bộ tự ý thức, nỗ lực nâng cao năng lực bản thân. Mỗi cán bộ thực sự “giỏi” trong “xã lớn” sẽ góp phần xây dựng một chính quyền cơ sở vững mạnh, hiện đại.

Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/thoi-su-chinh-tri/tin-tuc/202507/xa-lon-trach-nhiem-lon-1d922d4/