Phát hiện bằng chứng về sự sống ngoài Trái Đất
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một bằng chứng mạnh mẽ về sự sống ngoài Trái Đất ở một hành tinh cách chúng ta 124 năm ánh sáng.
Đài CNN đưa tin ngày 17-4 rằng một nhóm các nhà khoa học Anh và Mỹ đã phát hiện được các phân tử hữu cơ giống với phân tử ở Trái Đất trong bầu khí quyển của hành tinh K2-18b, củng cố manh mối về khả năng có sự sống ngoài hành tinh.
K2-18b là hành tinh nằm cách Trái Đất 124 năm ánh sáng. Hành tinh này được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện nhờ vào kính viễn vọng không gian Kelpher trong sứ mệnh K2 của cơ quan này vào năm 2015.

Các nhà khoa học phát hiện K2-18b có dấu hiệu của sự sống, củng cố manh mối về khả năng có sự sống ngoài Trái Đất. Ảnh: M. Kornmesse/ ESA
Nhờ vào việc phân tích các phổ ánh sáng bằng kính viễn vọng không gian James Webb (JWST), các nhà khoa học đã phát hiện dấu hiệu của 2 loại phân tử hữu cơ là dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide (DMDS). Trên Trái Đất những phân tử hữu cơ này chỉ có thể được tạo ra nhờ các vi sinh vật biển.
Tuy nhiên các nhà khoa học cho biết họ vẫn thận trọng và chưa tuyên bố phát hiện chắc chắn về sự sống ngoài hành tinh, theo đài CBS News.
Theo nhà vật lý thiên văn Nikku Madhusudhan - người đứng đầu của nhóm nghiên cứu về dấu hiệu sinh học tiềm năng trên hành tinh K2-18b, phát hiện trên mang một ý nghĩa rất lớn.
“Đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy dấu hiệu của sự sống ngoài hành tinh… Tôi có thể thật sự nói rằng chúng ta có thể xác nhận dấu hiệu này trong vòng một đến hai năm nữa” - ông Madhusudhan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác tin rằng trong khi phát hiện trên là thú vị, việc xác nhận sự tồn tại của sự sống ngoài Trái Đất sẽ cần nhiều thời gian và dữ liệu hơn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phat-hien-bang-chung-ve-su-song-ngoai-trai-dat-post845184.html