Phát hiện bất ngờ trên văn bia trước chùa Từ Đàm

Sau khi đại trùng tu chùa Từ Đàm cách đây nhiều năm, một tấm văn bia bằng chữ quốc ngữ lược ghi quá trình hình thành, tồn tại, vai trò, các tên gọi của ngôi cổ tự nổi tiếng xứ Huế… đã được thiết đặt cạnh cổng chùa. Tuy nhiên, trong tấm văn bia lại khắc sai tên một vị vua nhà Nguyễn.

Thời gian gần đây, những người vãn cảnh chùa Từ Đàm (phường Trường An, TP Huế) không khỏi bất ngờ và băn khoăn khi đọc văn bia ghi thông tin sơ lược quá trình hình thành, tồn tại, vai trò và các tên gọi của chùa…. Nguyên do nội dung văn bia khắc sai tên một vị vua của nhà Nguyễn là Thiệu Trị.

Chùa Từ Đàm - ngôi cổ tự nổi tiếng hơn 300 năm tuổi tại Huế. Ảnh: N.V

Chùa Từ Đàm - ngôi cổ tự nổi tiếng hơn 300 năm tuổi tại Huế. Ảnh: N.V

Tấm văn bia hiện được đặt dưới một gốc cây bồ đề cổ thụ ở bên phải sân trước, cạnh cổng ngôi cổ tự. Đây là nơi tạo sự chú ý đối với du khách, Phật tử trước khi vào vãn cảnh, lễ chùa, bởi vì nhiều người muốn tìm hiểu thông tin về ngôi cổ tự Từ Đàm nổi tiếng.

Văn bia giới thiệu sơ lược lịch sử hình thành, quá trình tồn tại, vai trò, các tên gọi của chùa... được thiết đặt dưới gốc một cây bồ đề cổ thụ cạnh cổng ngôi cổ tự. Ảnh: N.V

Văn bia giới thiệu sơ lược lịch sử hình thành, quá trình tồn tại, vai trò, các tên gọi của chùa... được thiết đặt dưới gốc một cây bồ đề cổ thụ cạnh cổng ngôi cổ tự. Ảnh: N.V

Theo nội dung văn bia, chùa Từ Đàm được khai lập vào khoảng năm 1690, tức cuối thế kỷ XVII, vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, đến nay đã trên 300 năm. Chùa từng có tên là Ấn Tông tự, được chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong là Sắc tứ Ấn Tông tự.

Ở dòng thứ 7 từ trên xuống của văn bia ghi tên vua Thiệu Trị thành Triệu Trị

Ở dòng thứ 7 từ trên xuống của văn bia ghi tên vua Thiệu Trị thành Triệu Trị

Khi đề cập đến tên gọi "chùa Từ Đàm", ở dòng thứ 7 từ trên xuống của văn bia ghi: “Đến thời Triệu Trị, vua đặt thêm một tên khác là Từ Đàm tự. Từ Đàm là đám mây lành, có ý tượng trưng cho Đức Phật”. Như vậy, ở dòng thứ 7 của văn bia đã ghi sai tên vua Thiệu Trị thành Triệu Trị.

Theo sử liệu, vua Thiệu Trị là con trưởng của vua Minh Mạng, tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông, sinh năm 1807. Khi vua Minh Mạng qua đời, Nguyễn Phúc Miên Tông được di mệnh nối ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị, trị vì từ năm 1841 đến 1847.

Tên gọi Từ Đàm của ngôi chùa nổi tiếng này do chính vua Thiệu Trị đặt. Ảnh: N.V

Tên gọi Từ Đàm của ngôi chùa nổi tiếng này do chính vua Thiệu Trị đặt. Ảnh: N.V

Vua Thiệu Trị nổi tiếng là một vị vua thi sĩ. Ông để lại cho đời rất nhiều bài thơ, văn. Về văn có hai tác phẩm: Ngự chế lịch đại sử tổng luận Ngự chế văn tập. Về thơ có: Ngự chế Tài Thành Phụ Tướng thi tập, Ngự chế Cổ Kim Thể Cách Thi Pháp, Minh Lương Hỷ Khởi tập…

Nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn cũng đạt đến đỉnh cao dưới thời vua Thiệu Trị. Thời kỳ này, vua Thiệu Trị cho xây dựng hàng loạt những công trình kiến trúc có quy mô, như vườn Cơ Hạ, điện Khâm Văn, Thanh Hạ Thư lâu…

Từ Đàm là nơi thường xuyên đón nhiều du khách, khách hành hương, phật tử, tín hữu đến tham quan, lễ chùa

Từ Đàm là nơi thường xuyên đón nhiều du khách, khách hành hương, phật tử, tín hữu đến tham quan, lễ chùa

Vua Thiệu Trị cũng là một vị vua rất trọng đạo Phật. Ngoài việc xây dựng những công trình cung điện, nhà vua còn cho trùng tu, xây dựng nhiều ngôi chùa lớn như: chùa Diệu Đế, tháp Phước Duyên 7 tầng ở chùa Thiên Mụ… Tên của ngôi chùa Từ Đàm ngày nay tại Huế cũng do vua Thiệu Trị đặt.

Với việc khắc sai tên vua Thiệu Trị trên văn bia chùa Từ Đàm, một phật tử tại Huế cho biết, có thể trong quá trình tạo tác văn bia, người khắc chữ đã khắc sai tên vua Thiệu Trị thành Triệu Trị. Lỗi khắc chữ này trên văn bia sẽ được báo cho sư trụ trì chùa để xem xét cho điều chỉnh lại.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phat-hien-bat-ngo-tren-van-bia-truoc-chua-tu-dam-post1442080.tpo