Phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ viết văn trẻ: Đôi điều suy ngẫm

Đầu tháng 7 vừa qua, tại TP. Pleiku, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông phối hợp tổ chức tọa đàm 'Viết văn trẻ-Văn học Tây Nguyên đương đại'.

Tại buổi tọa đàm, các tham luận xoay quanh nội dung làm thế nào để phát triển đội ngũ viết văn trẻ và nâng cao chất lượng tác phẩm văn học đối với vùng đất Tây Nguyên vốn giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Dưới góc nhìn cá nhân, tôi muốn góp đôi lời với hội VHNT cũng như các cây bút trẻ ở miền đất đặc thù này.

Học viên lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số tham quan Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: L.N

Học viên lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số tham quan Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: L.N

Hiện nay, 5 tỉnh Tây Nguyên đều có Hội VHNT thu hút hàng trăm hội viên các chuyên ngành tham gia, trong đó, phần lớn hội viên thuộc chi hội văn học. Nhìn chung, lãnh đạo các địa phương đều quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để hội VHNT hoạt động, động viên hội viên phát huy khả năng sáng tạo, đáp ứng nhu cầu tiếp cận văn hóa, văn nghệ của quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, trong gần 50 năm sau khi đất nước thống nhất (1975), đội ngũ sáng tác văn học ở Tây Nguyên lại chủ yếu là người Kinh, rất hiếm có những cây bút là người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Trong những năm kháng chiến, chúng ta có những tác giả lớn là người Kinh viết về Tây Nguyên khá thành công như: Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Ngọc Anh, Trung Trung Đỉnh… Và trong lớp nhà văn kháng chiến này còn có những tác giả là người dân tộc thiểu số như Y Điêng.

Sau “già làng” Y Điêng là sự xuất hiện của một số tác giả như: Mô Lô Y Choi, Nay Nô, Kim Nhất… Nhưng công bằng mà nói, đa số tác giả là người dân tộc thiểu số chưa có tác phẩm lớn tương xứng với vùng đất giàu văn hóa, lịch sử Tây Nguyên.

Vì sao có sự đứt gãy và gián đoạn về đội ngũ cũng như chất lượng sáng tác của những cây bút là người dân tộc thiểu số? Nếu nhìn vào bề dày văn học dân gian của các dân tộc ở Tây Nguyên (sưu tầm và công bố gần đây), chúng ta thấy số lượng cũng như chất lượng các sử thi, trường ca, truyện cổ, dân ca… không thua kém các dân tộc miền núi phía Bắc.

Với những cộng đồng dân tộc ít người có nền văn học dân gian phong phú, đồ sộ như vậy, tôi không nghĩ rằng trong cuộc sống đương đại lại thiếu những nhân tố sáng tạo và yêu văn học.

Ngày nay, các điều kiện về dân trí được nâng cao; ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được phổ biến rộng rãi; số người đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng ngày càng nhân rộng; số trí thức người dân tộc thiểu số kinh qua đào tạo ngày một tăng; môi trường giao lưu được mở rộng… nhưng nghịch lý là thiếu vắng những cây bút sáng tác văn học dân tộc thiểu số.

Đi tìm nguyên nhân của vấn đề trên, tôi có thể nêu ra một số ý kiến mang tính chủ quan. Trước hết, đó là sự hạn chế trong hoạt động của các hội VHNT địa phương. Một số lãnh đạo hội VHNT thiếu bề dày và kinh nghiệm trong việc tập hợp lực lượng sáng tác văn học ở địa phương, nhất là việc phát hiện, bồi dưỡng các cây bút người dân tộc thiểu số.

Các chương trình hoạt động của hội chủ yếu mang tính phong trào, thiếu chủ động sáng tạo theo tình hình thực tế từng địa phương.

Thứ đến là nguồn lực của các hội còn hạn hẹp nên khó tổ chức những cuộc giao lưu, tạo sân chơi để lớp trẻ thể hiện năng khiếu của mình. Khi phát hiện những nhân tố mới trong lĩnh vực sáng tác văn học, hội cũng khó có điều kiện để nuôi dưỡng tài năng đó phát triển trở thành cây bút chuyên nghiệp.

Cùng với đó, trong cuộc sống hiện đại, những người viết văn trẻ, đặc biệt là những cây bút người dân tộc thiểu số khó sống trọn vẹn với nghề viết… Các tạp chí văn nghệ địa phương, nơi dành công bố tác phẩm của hội viên thì hầu như 1 tháng mới ra được 1 số; riêng tại Gia Lai thì Tạp chí Văn nghệ bị đình bản khá lâu vì thiếu điều kiện để cấp phép hoạt động.

Ở các hội địa phương có thực trạng là đang thiếu những cây bút phê bình văn học đúng tầm để đánh giá đúng mức tác phẩm, tác giả, làm bệ đỡ cho các cây bút trẻ.

Thông thường, việc đánh giá tác phẩm văn học ở các hội VHNT đa phần là vì nể, khen tặng động viên nhau là chính, không thấy được những hạn chế nên đôi khi một số cây bút mới nổi được “lăng xê” một chút đã tự thỏa mãn.

Cá nhân tôi cho rằng, để các hội VHNT địa phương ở Tây Nguyên phát huy hết thế mạnh thì cần có sự đổi mới về tổ chức, chọn những người có tâm, có tầm để lãnh đạo hội và phụ trách tạp chí văn nghệ. Các tỉnh cần có cơ chế đặc thù để hội tạo ra nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát hiện, bồi dưỡng các tài năng văn học trẻ; khuyến khích các cây bút là người dân tộc thiểu số sáng tác bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình hay bằng song ngữ (tiếng dân tộc và tiếng phổ thông). Vì chính bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, các tác giả mới thể hiện được bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc mình một cách đầy đủ và tự nhiên nhất.

Những khoảng trống của văn học Tây Nguyên đã kéo dài khá lâu. Chúng ta đang mong đợi những nhân tố mới trong chính cộng đồng các dân tộc bản địa sẽ có những tác phẩm văn học tương xứng với di sản mà cha ông để lại.

Tôi tin rằng ở các buôn làng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang tiềm ẩn nhiều tài năng văn học. Vấn đề là chúng ta có tích cực phát hiện và mài giũa để những “hạt ngọc” ấy được bừng sáng hay không!

HOÀNG LINH VIỆT

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phat-hien-boi-duong-doi-ngu-viet-van-tre-doi-dieu-suy-ngam-post286350.html