Phát hiện bức phù điêu khổng lồ và xưởng sản xuất rượu 2.700 năm tuổi

Các bức phù điêu bằng đá, với hình ảnh các vị vua Assyria đang cầu nguyện trước các vị thần, đã được đưa vào trang trí trên những bức tường của một con kênh tưới dài gần 9km tại Faida.

Bức phù điêu. (Nguồn: AFP)

Bức phù điêu. (Nguồn: AFP)

Ngày 24/10, các nhà khảo cổ ở Iraq thông báo đã phát hiện một xưởng sản xuất rượu rộng lớn cùng những bức phù điêu tuyệt đẹp được chạm khắc trên đá có từ thời những vị Vua Assyria cách đây 2.700 năm.

Theo các nhà khảo cổ ở Dohuk (Iraq) và các đồng nghiệp Italy, các bức phù điêu bằng đá, với hình ảnh các vị Vua Assyria đang cầu nguyện trước các vị thần, đã được đưa vào trang trí trên những bức tường của một con kênh tưới dài gần 9km tại Faida, miền Bắc Iraq.

Những bức phù điêu này, gồm 12 tấm rộng tới 5m và cao 2m, có niên đại từ thời trị vì của Vua Sargon II (721-705 trước Công nguyên) và con trai của ông là Sennacherib. Đây được xem là một trong những công trình phù điêu trên đá lớn nhất và hoành tráng nhất được phát hiện tại Iraq trong thời hiện đại.

Con kênh tưới trên được sử dụng để dẫn nước từ những ngọn đồi đến cánh đồng của người nông dân. Những bức chạm khắc được đưa vào dọc trên các bức tường của con kênh như lời nhắc nhở người dân nhớ đến công lao của vị Vua đã lệnh xây dựng công trình thủy lợi này.

Nhà khảo cổ Italy, Daniele Morandi Bonacossi nhận định: “Đó không chỉ là hình ảnh cầu nguyện về mặt tôn giáo, mà còn mang tính chính trị, một hình thức tuyên truyền."

Bằng cách này, nhà Vua muốn người dân sống trong khu vực nhớ đến mình như là người đã tạo ra những hệ thống thủy lợi khổng lồ và khơi dậy lòng trung thành của họ.

Các hình chạm khắc được thực hiện để nhắc nhở mọi người về vị vua đã ra lệnh xây dựng một kênh thủy lợi. (Nguồn: dailytelegraph.com.au)

Các hình chạm khắc được thực hiện để nhắc nhở mọi người về vị vua đã ra lệnh xây dựng một kênh thủy lợi. (Nguồn: dailytelegraph.com.au)

Tại Khinis, cách không xa Dohuk, nhóm khảo cổ cũng đã khai quật những bồn đá khổng lồ được sử dụng trong sản xuất rượu dưới thời trị vì của Vua Sennacherib, vào cuối thế kỷ 8 hoặc đầu thế kỷ 7 trước Công nguyên.

Giáo sư khảo cổ học Morandi Bonacossi thuộc Đại học Udine (Italy) cho rằng đây là một nhà xưởng sản xuất rượu công nghiệp. Họ đã tìm thấy 14 thiết bị, được sử dụng để ép nho và chiết xuất nước trái cây, sau đó được chế biến thành rượu vang.

Iraq là cái nôi của một số thành phố được ra đời sớm nhất trên thế giới. Quốc gia này từng là quê hương của người Sumer, người Assyria và người Babylon, và cũng là một trong những nơi phát triển hệ thống chữ viết đầu tiên của loài người./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phat-hien-buc-phu-dieu-khong-lo-va-xuong-san-xuat-ruou-2700-nam-tuoi/748818.vnp