Phát hiện đáng kinh ngạc về loài trăn lớn nhất thế giới

Các nhà nghiên cứu ở Amazon đã phát hiện ra loài trăn lớn nhất thế giới - loài Anaconda xanh khổng lồ - trong rừng nhiệt đới Ecuador.

Loài Anaconda xanh khổng lồ này tách ra từ họ hàng gần nhất của nó cách đây 10 triệu năm. Tuy nhiên, hai loài này vẫn gần như giống hệt nhau cho đến ngày nay.

Đoạn video được chia sẻ trên mạng cho thấy một con trăn Anaconda xanh khổng lồ dài 6,1 m và nặng khoảng 200 kg bơi cạnh nhà sinh vật học người Hà Lan Freek Vonk.

Eunectes murinus từng được xem là loài trăn Anaconda xanh duy nhất trong tự nhiên.

Tuy nhiên, Tạp chí khoa học Diversity số tháng 2-2024 cho biết loài "trăn Anaconda xanh phương Bắc" vừa được phát hiện thuộc về một loài khác, Eunectes akiyama.

Eunectes murinus và Eunectes akiyama gần như giống nhau hoàn toàn, với khác biệt di truyền 5,5%.

"Đó là một sự khác biệt đáng kinh ngạc về mặt di truyền" – nhà nghiên cứu Bryan G. Fry của Trường ĐH Queensland (Úc) khẳng định, đồng thời lưu ý rằng khác biệt di truyền giữa người và tinh tinh chỉ là 2%.

Theo ông Bryan, trăn là nguồn thông tin cực kỳ hữu ích về tình trạng sức khỏe sinh thái của khu vực chúng sinh sống, cũng như về tác động tiềm ẩn của sự cố tràn dầu đối với sức khỏe con người.

Anaconda xanh khổng lồ, loài trăn lớn nhất thế giới, được phát hiện ở rừng nhiệt đới Ecuador. Ảnh: Facebook

Anaconda xanh khổng lồ, loài trăn lớn nhất thế giới, được phát hiện ở rừng nhiệt đới Ecuador. Ảnh: Facebook

Ông cho biết thêm một số loài rắn mà nhóm của ông nghiên cứu ở Ecuador đã bị ảnh hưởng nặng nề vì sự cố tràn dầu, trong khi trăn Anaconda và cá Arapaima đang tích tụ một lượng lớn kim loại hóa dầu.

"Điều này đồng nghĩa nếu cá Arapaima bị nhiễm kim loại từ các sự cố tràn dầu, phụ nữ mang thai cần tránh ăn chúng, giống như phụ nữ mang thai tránh cá hồi, cá ngừ và các nơi khác trên thế giới vì sợ methyl thủy ngân" – ông Bryan giải thích với Reuters.

Trong khi đó, tại bang Karnataka của Ấn Độ, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra điều kỳ lạ: nấm mọc từ cơ thể ếch lưng vàng. Đây là một hiện tượng chưa từng có, khiến các nhà khoa học không khỏi ngạc nhiên, theo Tạp chí Bò sát và Lưỡng cư.

Nhóm nghiên cứu của chuyên gia Lohit Y T, thuộc Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới-Ấn Độ, phát hiện con ếch nêu trên vào tháng 6-2023 nhưng không bắt nó.

Số phận của con ếch cũng như nguyên nhân gây ra hiện tượng kỳ lạ nêu trên vẫn là một bí ẩn.

"Nấm là những sinh vật có khả năng thích nghi cao với những thay đổi trong môi trường sống. Khi tiếp xúc với vật chủ tiềm năng mới ở những môi trường hoặc khí hậu khác nhau, chúng có thể phát triển ở những nơi mà trước đây chúng ta không ngờ tới" – chuyên gia Alyssa Wetterau Kaganer của Trường ĐH Cornell (Mỹ) cho biết.

Hiện tượng nấm mọc ra từ cơ thể ếch khiến giới khoa học kinh ngạc. Ảnh: CNN

Hiện tượng nấm mọc ra từ cơ thể ếch khiến giới khoa học kinh ngạc. Ảnh: CNN

Trong khi đó, chuyên gia Karthikeyan Vasudevan của Trung tâm Sinh học Tế bào và Phân tử ở Telangana - Ấn Độ, cảnh báo rằng mọi hiện tượng bất thường, bao gồm nấm mọc ra từ cơ thể, đều là mối lo ngại đối với loài ếch.

Ếch lưng vàng Rao, tên khoa học là Hylarana intermedia, được tìm thấy rất nhiều ở các bang Karnataka và Kerala – Tây Nam Ấn Độ. Chúng rất nhỏ, chỉ dài tối đa 7,4 cm.

Theo đài CNN, Ấn Độ đang chứng kiến một dịch bệnh chết chóc đối với loài ếch, được gọi là chytridiomycosis. Dịch nấm này đã gây ảnh hưởng đến hơn 700 loài lưỡng cư trên toàn thế giới.

Cao Lực

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phat-hien-dang-kinh-ngac-ve-loai-tran-lon-nhat-the-gioi-196240301114219017.htm