Phát hiện gây sốc ở thế giới giống Trái Đất nhất

Thêm một điểm tương đồng bất ngờ khác với địa cầu đã được tìm thấy ở Titan, thế giới được NASA mô tả là 'Trái Đất thứ 2'.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) vừa phát hiện ra bằng chứng quan trọng cho thấy hồ và biển lớn trên mặt trăng Titan có thể đã được hình thành bởi sóng, y hệt những gì xảy ra trên Trái Đất.

Titan là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Sao Thổ, kích thước thậm chí còn vượt qua Sao Thủy và to gấp rưỡi so với vệ tinh mang tên Mặt Trăng của hành tinh chúng ta.

Một "vùng đầm lầy" ở Titan, thế giới có bề mặt giống Trái Đất nhất - Ảnh đồ họa: NASA

Một "vùng đầm lầy" ở Titan, thế giới có bề mặt giống Trái Đất nhất - Ảnh đồ họa: NASA

Những năm qua, Titan nhận được sự quan tâm đặc biệt của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bởi các hình ảnh mà tàu vũ trụ Cassini gửi về cho thấy bề mặt thế giới này có núi, sông, hồ, biển... không khác địa cầu.

Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances, các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra các mô phỏng để so sánh hồ và biển của Titan với các cấu trúc tương tự trên Trái Đất.

Các vùng hồ sâu và biển của Titan được cho là đã hình thành khi mức chất lỏng dâng cao làm ngập lụt một vùng đất có các thung lũng sông trải dài.

Các nhà nghiên cứu tập trung vào ba kịch bản có thể xảy ra tiếp theo: Không có xói mòn bờ biển, xói mòn do sóng, xói mòn đồng đều.

Xói mòn đồng đều là hiện tượng được thúc đẩy bởi sự hòa tan, trong đó chất lỏng hòa tan một cách thụ động vật liệu của bờ biển, hoặc một cơ chế trong đó bờ biển dần dần bong ra dưới sức nặng của chính nó.

Sự xói mòn sẽ khiến bờ hồ và bờ biển không còn hình dạng ban đầu, tạo ra những dấu vết hết sức đặc trưng ven bờ.

Tất cả các mô phỏng đều cho thấy Titan có cả hai hiện tượng xói mòn là xói mòn do sóng và xói mòn đồng đều.

Điều đó giúp chứng minh sóng biển thực sự tồn tại nơi Titan, một vấn đề gây tranh cãi suốt nhiều năm.

Bởi có sóng tức là có gió mạnh. Quan sát sự xói mòn do sóng, các nhà khoa học có thể suy ra cách mà gió thổi trên mặt trăng này, từ đó hiểu về khí hậu của nó.

Trang Sci-News dẫn lời TS Rose Palermo, nhà địa chất tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết các phát hiện ở Titan đồng thời cũng giúp nhân loại hiểu thêm về chính Trái Đất.

Đó là cách các bờ biển bị xói mòn mà không có tác động của con người. Hiểu biết này có thể giúp chúng ta quản lý tốt hơn các bờ biển địa cầu trong tương lai.

Ngoài ra, hiểu thêm về khí hậu của Titan cũng là chạm gần hơn đến sự sống tiềm năng nơi hành tinh này.

Các quan sát từ tàu vũ trụ Cassini của NASA trước đó không chỉ cho thấy Titan có vẻ ngoài giống Trái Đất, mà còn có dấu hiệu của vật liệu hữu cơ.

Mặc dù thế giới bề mặt lạnh giá với các biển, hồ chứa methane lỏng chứ không phải nước sẽ khó để sinh vật tồn tại, nhưng Titan có một vùng biển ngầm mà NASA tin rằng có đủ điều kiện cho sự sống tồn tại.

Những gì diễn ra trên bề mặt thiên thể chắc chắn có tác động đến thế giới ngầm này.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phat-hien-gay-soc-o-the-gioi-giong-trai-dat-nhat-196240623095324457.htm