Phát hiện kho báu 2.000 năm tuổi chứa hơn 800 cổ vật quý hiếm trên cánh đồng
Một kho báu thời kỳ đồ sắt với hơn 800 cổ vật đã được tìm thấy trên một cánh đồng ở Anh, trong tình trạng bị cháy và chôn vùi một cách bí ẩn. Các nhà khảo cổ đánh giá đây là phát hiện hiếm có không chỉ ở Anh mà còn có thể trên toàn châu Âu.
Một người dò kim loại nghiệp dư đã vô tình phát hiện một kho báu có niên đại hơn 2.000 năm tại một cánh đồng ở làng Melsonby, North Yorkshire, Anh. Đây là một trong những phát hiện lớn nhất về thời kỳ đồ sắt ở quốc gia này, với số lượng cổ vật đồ sộ và giá trị khảo cổ to lớn.
Kho báu Melsonby chứa hàng trăm cổ vật, bao gồm vạc đồng, bát pha rượu, trang bị cưỡi ngựa, bộ phận của xe ngựa hoặc xe chiến, một chiếc gương sắt lớn và các mũi giáo nghi lễ bằng sắt. Đặc biệt, nhiều món đồ mang phong cách trang trí kết hợp giữa Địa Trung Hải và nghệ thuật bản địa Anh thời kỳ đồ sắt, cho thấy dấu vết giao thương xuyên lục địa cách đây hàng thiên niên kỷ.

Ảnh minh họa.
“Chiếc bát được phát hiện có kiểu dáng hiếm gặp ở miền Bắc nước Anh, mang đậm ảnh hưởng từ Địa Trung Hải, chứng tỏ chủ nhân của nó có mối liên kết rộng rãi với châu Âu và thậm chí cả thế giới La Mã,” Giáo sư Tom Moore, Trưởng khoa Khảo cổ học tại Đại học Durham, cho biết.
Một điều gây tò mò là nhiều cổ vật trong kho báu này có dấu hiệu bị cháy hoặc phá hủy trước khi được chôn vùi. Các nhà khảo cổ đặt giả thuyết rằng chúng có thể đã bị đặt trong một giàn hỏa táng, dù không có dấu vết xương người nào được tìm thấy tại hiện trường.
"Lý thuyết của chúng tôi là kho báu này đã bị nung nóng trong một đống lửa lớn hoặc một giàn hỏa táng trước khi bị vứt xuống một cái hào và bị ném đá lên trên," Sophia Adams, chuyên gia về thời kỳ đồ sắt tại Bảo tàng Anh, nhận định.
Dù bị hư hại, nhiều món đồ vẫn giữ được những chi tiết quan trọng, đặc biệt là các bộ yên cương ngựa được trang trí bằng san hô đỏ Địa Trung Hải và thủy tinh màu – một dấu hiệu rõ ràng về giao thương xa rộng giữa các nền văn minh thời kỳ đồ sắt.
Phát hiện này cũng cho thấy giới quý tộc miền Bắc nước Anh thời kỳ đồ sắt không hề thua kém những người đồng cấp ở miền Nam, vốn được biết đến là trung tâm quyền lực thời bấy giờ.
"Sự phá hủy của hàng trăm vật phẩm giá trị cao trong kho báu này là điều hiếm gặp, cho thấy một nghi thức hoặc sự kiện quan trọng trong xã hội thời kỳ đồ sắt mà chúng ta vẫn chưa thể giải mã hoàn toàn," Giáo sư Moore chia sẻ.
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục phân tích các cổ vật, với hy vọng sẽ sớm đưa chúng ra trưng bày tại một bảo tàng để công chúng có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu về một phần quan trọng trong lịch sử nước Anh.