Phát hiện kho báu vàng bí ẩn khi đi bộ

Một kho báu gồm 600 đồng vàng, hộp xì gà và đồ trang sức được phát hiện trên lối mòn vùng núi Krkonoše (Séc) khiến giới khảo cổ sửng sốt và dấy lên nhiều giả thuyết ly kỳ.

 Một kho báu gồm 598 đồng tiền vàng và nhiều vật phẩm khác có giá trị ít nhất là 360.000 USD đã được tìm thấy ở Cộng hòa Séc, nhưng nguồn gốc của chúng vẫn chưa rõ ràng. Ảnh: Bảo tàng Đông Bohemia.

Một kho báu gồm 598 đồng tiền vàng và nhiều vật phẩm khác có giá trị ít nhất là 360.000 USD đã được tìm thấy ở Cộng hòa Séc, nhưng nguồn gốc của chúng vẫn chưa rõ ràng. Ảnh: Bảo tàng Đông Bohemia.

Theo ông Miroslav Novak, trưởng bộ phận khảo cổ của Bảo tàng Đông Bohemia (Hradec Králové), hai người đi bộ khi đang rẽ qua một lối mòn trong rừng thì bất ngờ phát hiện một hộp nhôm nhô ra từ vách đá. Khi mở ra, họ sửng sốt thấy bên trong là một "kho báu" đậm chất điện ảnh.

Họ lập tức mang toàn bộ hiện vật đến bảo tàng để báo cáo. "Họ đến gặp chuyên gia tiền cổ của chúng tôi mà không hẹn trước. Chỉ sau đó, các nhà khảo cổ mới bắt đầu điều tra và khảo sát hiện trường", ông Novak cho biết qua email gửi CNN.

Nguồn gốc và chủ nhân của kho báu vẫn còn là một ẩn số, nhưng các chuyên gia bước đầu xác định nó không thể có tuổi đời quá 100 năm bởi một đồng tiền có niên đại 1921.

Những giả thuyết được đưa ra xoay quanh giai đoạn hỗn loạn trước Thế chiến II, khi cộng đồng người Séc và Do Thái rời bỏ khu vực biên giới, hoặc năm 1945, khi người Đức tháo chạy khỏi khu vực.

"Chúng tôi đang tiếp tục giám định toàn diện. Hai trong số các hộp xì gà hiện vẫn chưa thể mở được", Novak cho biết.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng giá trị kim loại của gần 3,7 kg vàng con số đã lên tới khoảng 360.000 USD, theo ông Vojtěch Brádle, chuyên gia tiền cổ của bảo tàng.

Thông tin về phát hiện kỳ lạ này nhanh chóng lan rộng, kéo theo hàng loạt lời đồn và cuộc gọi từ người dân địa phương. Điều đặc biệt, theo ông Novak, là không có đồng tiền Séc hay Đức nào trong số gần 600 đồng được tìm thấy. Thay vào đó, một nửa có xuất xứ từ vùng Balkan, nửa còn lại từ Pháp.

"Vị trí phát hiện kho báu nằm ngay trên ranh giới sắc tộc giữa người Séc và người Đức ngày xưa, nhưng lại hoàn toàn vắng bóng đồng tiền Trung Âu như của Đức", ông nói.

Một giả thuyết đáng chú ý đến từ người dân địa phương cho rằng kho báu có thể từng thuộc sở hữu của các gia đình quý tộc trong vùng như dòng họ Sweérts-Špork - chủ nhân khu dinh thự baroque Kuks nổi tiếng bên dòng Elbe. Một giả thuyết khác cho rằng đây là chiến lợi phẩm của các binh lính Lê dương Tiệp Khắc trong Thế chiến I.

"Thông thường, các phát hiện từ thế kỷ 20 tại Séc chủ yếu gồm tiền Đức và Tiệp Khắc. Nhưng ở đây lại không có một đồng nào. Phần lớn đồng tiền có vẻ từng nằm lại bán đảo Balkan sau Thế chiến I. Một số mang dấu khắc của Nam Tư cũ - loại chỉ được dập trong những năm 1920-1930. Tôi chưa từng biết đến kho báu nào khác ở Séc có đặc điểm này", ông Brádle khẳng định sự khác biệt của kho báu lần này so với những lần trước đó.

Giáo sư Mary Heimann, chuyên gia lịch sử hiện đại tại Đại học Cardiff nhấn mạnh rằng năm 1921 (niên đại trẻ nhất của đồng tiền) là thời điểm Cộng hòa Tiệp Khắc trải qua khủng hoảng tài chính nghiêm trọng sau khi ký kết Hiệp ước Riga, chấm dứt chiến tranh Ba Lan - Xô Viết.

"Bối cảnh kinh tế bất ổn, thất nghiệp tràn lan. Vì thế, việc ai đó quyết định chôn giấu vàng trong giai đoạn đó là điều hoàn toàn hợp lý", bà phân tích.

Tuy vậy, bà Heimann tỏ ra hoài nghi về giả thuyết kho báu được chôn năm 1945. "Nếu vậy, hẳn phải có các đồng tiền mới hơn. Việc không có đồng nội tệ càng làm mọi thứ trở nên mù mờ."

Theo bà, người giấu kho báu có thể là một nhà sưu tầm, nhân viên bảo tàng, hoặc thậm chí là một kẻ trộm di sản. "Vùng đất này vốn là khu vực biên giới giữa Tiệp Khắc và Ba Lan. Sau Thế chiến I, trật tự chưa thực sự ổn định, kinh tế khủng hoảng, tội phạm nhiều. Những vùng biên giới đa sắc tộc thường có tâm lý lo sợ tương lai cao hơn bình thường".

Sau khi hoàn tất các phân tích vật liệu, toàn bộ hiện vật sẽ được bảo quản trong bộ sưu tập tiền cổ của bảo tàng. Theo luật Séc, mọi phát hiện khảo cổ đều thuộc sở hữu của chính quyền khu vực kể từ thời điểm phát hiện.

"Kho báu đã được giao nộp đúng quy định cho bảo tàng. Người phát hiện sẽ nhận được khoản tiền thưởng tùy theo giá trị kim loại hoặc giá trị lịch sử của hiện vật", ông Novak xác nhận.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/phat-hien-kho-bau-vang-bi-an-khi-di-bo-post1554604.html