Tại sao người thiết kế bom hydro lại che giấu vai trò của mình suốt 50 năm? - Kỳ 2
Từ thần đồng vật lý đến cha đẻ bản thiết kế bom hydro, Richard Garwin âm thầm đặt nền móng cho loại vũ khí hủy diệt nhất lịch sử loài người ở tuổi 24.
Kỳ 2: Sự ra đời của bom hydro
Theo tờ The New York Times, Richard Lawrence Garwin sinh ngày 19/4/1928 tại thành phố Cleveland. Cha ông dạy môn điện tử tại một trường trung học kỹ thuật.

Richard Garwin. Ảnh: New York Times
Khi còn nhỏ, Richard – thường được gọi là Dick – đã gây ấn tượng với người lớn nhờ khả năng ngôn ngữ và toán học. Ông thích tháo rời và lắp ráp lại mọi thứ, kể cả một chiếc máy hút bụi.
Dù có tài năng rõ rệt và vào trung học sớm, nhưng một giáo viên tiếng Anh tại đây lại nói với cha mẹ ông rằng ông sẽ không bao giờ vào được đại học. Ông đã chứng minh điều ngược lại khi theo học ngành vật lý tại Trường Khoa học Ứng dụng Case ở Cleveland. Khi ấy còn là thiếu niên, ông sống tại nhà, đi xe buýt đến trường và làm việc vào ban đêm.
Ông tốt nghiệp năm 19 tuổi và được công ty Standard Oil tài trợ toàn phần để học cao học tại Đại học Chicago – nơi có một trong những khoa vật lý hàng đầu nước Mỹ.
Ông Fermi trở thành cố vấn của chàng trai trẻ này. Hai năm sau, vào năm 1949, Garwin nhận bằng tiến sĩ vật lý tại Đại học Chicago và trở thành giảng viên của trường.
Khi ấy mới 21 tuổi, ông còn quá trẻ để tham gia Dự án Manhattan, nhưng giờ đây ông lại dấn thân sâu vào những gì diễn ra sau đó.
Giống như nhiều người Mỹ khác, Garwin bắt đầu lo lắng khi mùa hè năm ấy Moskva cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên. Mỹ sẽ phản ứng thế nào? Đầu năm 1950, Tổng thống Harry S. Truman tuyên bố rằng Mỹ sẽ tìm cách chế tạo “thứ gọi là bom hydro hay siêu bom”.
Ông Fermi mời Garwin đến Los Alamos – căn cứ nằm giữa rừng thông và các hẻm núi sâu vùng hẻo lánh bang New Mexico, nơi quả bom của Oppenheimer từng ra đời. Lúc này, nhiệm vụ mới của phòng thí nghiệm rộng lớn này là thực hiện lời cảnh báo của Tổng thống Truman.
Sâu trong mỗi ngôi sao, nhiệt độ và áp suất cực cao hợp nhất các nguyên tử hydro thành heli, giải phóng năng lượng. Ý tưởng tại Los Alamos là mô phỏng quá trình nung chảy đó. Các chuyên gia gọi đây là phản ứng nhiệt hạch – một phần nhằm phân biệt với phản ứng của bom nguyên tử, vốn bắt đầu ở nhiệt độ phòng.
Kế hoạch chung là cho nổ một quả bom nguyên tử để làm mồi kích hoạt nhiên liệu hydro. Câu hỏi là làm cách nào? Những ý tưởng ban đầu sắp xếp các lớp nhiên liệu nguyên tử và hydro đan xen như ruột quả bóng chày.
Đột phá xuất hiện đầu năm 1951. Ông Teller và đồng nghiệp tại Los Alamos là ông Stanislaw Ulam hình dung hai giai đoạn tách biệt đặt cạnh nhau trong một ống hình trụ.
Tia bức xạ từ quả bom nguyên tử sẽ di chuyển với tốc độ ánh sáng, đập vào thành trong của vỏ ống và phản xạ lại, tạo ra một luồng tia khổng lồ nén và kích hoạt nhiên liệu hydro.
Ý tưởng mới giúp quả bom có sức công phá không giới hạn. Vì nhiên liệu hydro được tách khỏi đống mảnh vụn và sóng xung kích ban đầu, nên về lý thuyết nó có thể lớn vô hạn.
Ông Teller yêu cầu Garwin xây dựng kế hoạch chi tiết. Ông cảnh báo rằng bản kế hoạch này phải giải đáp được mọi nghi ngờ có thể nảy sinh từ giới khoa học hàng đầu. “Bản thảo của Garwin bị chỉ trích đủ kiểu”, ông Teller viết trong hồi ký, nhưng kế hoạch của chàng trai trẻ vẫn không thay đổi.
Thần đồng này đã biến ý tưởng thô sơ thành một kế hoạch dài bốn trang, đến nay vẫn được xếp loại tuyệt mật. Kèm theo là một sơ đồ kỹ thuật lớn.
Tại một đảo san hô ở Tây Thái Bình Dương, thiết bị được chế tạo dần dần. Garwin chưa từng tới nơi thử nghiệm – nơi cỗ máy hoàn chỉnh cao hai tầng và nặng 82 tấn được lắp đặt.
Vụ thử, có mật danh Ivy Mike, diễn ra ngày 1/11/1952. Nó làm bốc hơi một hòn đảo Thái Bình Dương và tạo ra đám mây hình nấm rộng 160 km.
Garwin, khi đó 24 tuổi, tránh gây chú ý. Không có bài báo nào nêu tên ông. Không ai chỉ trích hay ca ngợi ông. Ông là trợ lý giáo sư vật lý tại Đại học Chicago – không phải quan chức cấp cao hay nhà khoa học nổi tiếng.
Một tháng sau vụ thử, ông gia nhập Tập đoàn Công nghệ Máy tính Quốc tế (IBM) và nhờ đó ông có thể giữ chức vụ giảng dạy vật lý tại Đại học Columbia. Trong những thập niên tiếp theo, ông được cấp 47 bằng sáng chế cho các phát minh tại IBM.
Công việc tại IBM cũng giúp ông có thể nhiều lần làm thay đổi tiến trình lịch sử khi làm cố vấn khoa học cho các tổng thống Mỹ và đội ngũ phụ tá. Đây là một quá trình cố vấn liên tục kéo dài từ thời Tổng thống Dwight Eisenhower đến Tổng thống Donald Trump.