Phát hiện khoa học mới về tầm quan trọng của giấc ngủ ngon

Cuộc khảo sát vào tháng 12/2024 của trang web finder.com.au (Australia) cho thấy khoảng 71% người Australia gặp khó khăn trong việc có được giấc ngủ ngon.

Một người trưởng thành khỏe mạnh nên ngủ từ 7-9 giờ mỗi đêm. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Một người trưởng thành khỏe mạnh nên ngủ từ 7-9 giờ mỗi đêm. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trong số những người tham gia khảo sát, 33% cảm thấy khó ngủ, 18% thường thức dậy đi vệ sinh trong đêm, 11% bị tiếng ngáy của bạn đời làm phiền, 6% bị trẻ nhỏ đánh thức và 8% mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Chỉ 29% không gặp vấn đề gì về giấc ngủ.

Cũng theo khảo sát, trung bình người Australia ngủ 6,9 tiếng mỗi đêm.

Mặc dù cuộc khảo sát của Finder cho thấy 75% người Australia bị thiếu ngủ, song bà Alexandra Shriane - nhà nghiên cứu giấc ngủ tại Viện Appleton thuộc Đại học Central Queensland – cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều bởi nhiều người đang tính sai thời gian ngủ của họ, ví dụ thời gian họ nằm trên giường không có nghĩa là thời gian họ thực sự ngủ.

Theo bà Shriane, một người trưởng thành khỏe mạnh nên ngủ từ 7-9 giờ mỗi đêm. Những người ngủ dưới 7 giờ dễ gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe vì cơ thể và não của họ có thể bị ảnh hưởng xấu bởi tình trạng thiếu ngủ mãn tính. Ngược lại, những người ngủ hơn 9 giờ có thể đang mắc bệnh tiềm ẩn hoặc rối loạn giấc ngủ.

Bà Shriane cho rằng, trẻ em cần ngủ nhiều hơn người lớn, và thời gian ngủ thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn phát triển. Cụ thể, trẻ nhỏ cần ngủ 11-14 giờ mỗi ngày, trong khi thanh thiếu niên cần 8-10 giờ. Người cao niên trên 65 tuổi thường chỉ cần 7-8 giờ. Ngoài ra, phụ nữ có thể cần ngủ nhiều hơn nam giới. Những người mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định cũng cần ngủ nhiều giờ hơn.

Ngoài số giờ ngủ, chất lượng giấc ngủ cũng rất quan trọng. Nếu ai đó thường xuyên mệt mỏi, thiếu năng lượng, hay buồn ngủ vào buổi chiều, điều đó có nghĩa là chất lượng giấc ngủ của họ có vấn đề. Ngay cả những dấu hiệu nhỏ như thường xuyên bị cảm, thèm ăn bất thường hoặc thay đổi tâm trạng liên tục cũng có thể cho thấy cơ thể ngủ chưa đủ giấc.

Bà Shriane cho biết thiếu ngủ trong thời gian ngắn có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, khả năng xử lý thông tin, kiểm soát cảm xúc, thậm chí gây thèm ăn dữ dội. Nếu tình trạng kéo dài, hậu quả có thể tích tụ và khó đảo ngược, sẽ khó duy trì cân nặng khỏe mạnh, nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, cao huyết áp, các vấn đề về nhận thức như chứng sa sút trí tuệ, thậm chí là một số dạng ung thư.

Bà Shriane cho rằng ngoài vấn đề dinh dưỡng và hoạt động thể chất, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Vì vậy, bà khuyên người dân nên đi ngủ và thức dậy vào cùng giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần, tránh ngủ trưa hoặc nếu có thì chỉ 15-20 phút vào đầu giờ trưa, không uống cà phê 6-8 giờ trước khi ngủ, hạn chế rượu và thuốc lá, đặc biệt trong 4 giờ trước khi ngủ, thư giãn trước giờ ngủ và tránh ánh sáng mạnh 1-2 giờ trước khi ngủ, giữ phòng ngủ tối, yên tĩnh, thoáng mát, nhiệt độ lý tưởng là 16-20oC. Nếu vẫn trằn trọc sau 20 phút, hãy ra khỏi giường và thư giãn trong không gian ánh sáng dịu nhẹ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-hien-khoa-hoc-moi-ve-tam-quan-trong-cua-giac-ngu-ngon-302888.html