Sự thật về rượu thuốc được 'quý ông' xem như bửu bối
Với nhiều 'quý ông' rượu thuốc được xem là loại rượu quý và bổ dưỡng, thường được mang ra mời khách.
Trong những dịp đầu xuân hay khi tụ họp, nhiều gia đình hay mang ra những bình rượu thuốc ngâm để mời khách, vì họ tin rằng đó là những loại rượu quý và bổ dưỡng. Tuy nhiên, liệu loại rượu này thực sự tốt như những gì nhiều người vẫn tin?
Theo BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (Cơ sở 3), rượu thuốc là một phương pháp điều trị bệnh có từ rất lâu trong y học cổ truyền. Từ thời cổ đại, người xưa đã biết sử dụng rượu như một chất dẫn thuốc, giúp khuếch đại tác dụng của các vị thuốc, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa và làm ấm cơ thể, điều hòa các chức năng nội tạng. Trong y học cổ truyền, rượu thuốc còn được cho là có tác dụng dưỡng sinh, làm đẹp và kéo dài tuổi thọ.
Rượu thuốc được chế biến từ các loại dược liệu động, thực vật và khoáng vật, theo tỉ lệ nhất định. Một số dược liệu phổ biến như ba kích, hà thủ ô, đương quy, sâm, quế, dâm dương hoắc, cùng với các nguyên liệu động vật như rắn, tắc kè, hải mã, hay bào ngư. Người ta thường sử dụng rượu ethanol (rượu cồn) có độ cồn từ 30 – 90 độ, trong đó rượu ngũ cốc (rượu tăm) với độ cồn 40 – 50 độ là phổ biến nhất. Để dễ uống và bảo quản lâu dài, người chế biến có thể thêm đường hoặc siro vào rượu.
BS Vũ cho biết, rượu thuốc có thể sử dụng để uống trực tiếp hoặc làm thuốc xoa bóp ngoài da. Công dụng của rượu thuốc là làm ấm cơ thể, thông mạch, giúp lưu thông máu, hỗ trợ tiêu hóa, điều trị bệnh phong hàn, nhức mỏi. Tuy nhiên, người sử dụng cần lưu ý về liều lượng và phương pháp sử dụng, vì nếu lạm dụng, rượu thuốc có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến ngộ độc.
Nhiều người tin rằng rượu thuốc ngâm càng lâu càng tốt, nhưng điều này không hoàn toàn chính xác. Thời gian ngâm rượu thuốc tùy thuộc vào loại dược liệu, và không phải lúc nào rượu ngâm lâu cũng mang lại tác dụng tốt hơn. Thực tế, nếu ngâm quá lâu, có thể gây ra sự chiết xuất các chất độc hại từ một số nguyên liệu thảo mộc, làm giảm nồng độ cồn và ảnh hưởng đến khả năng kháng khuẩn của rượu. Thậm chí, nếu bảo quản không đúng cách, rượu có thể bị nấm mốc và gây ngộ độc.
Một vấn đề khác là việc sử dụng các nguyên liệu động vật như tắc kè, rắn, hay hải mã trong rượu thuốc. Dù có nhiều lời đồn rằng chúng giúp tăng cường sinh lý, nhưng cho đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này. Việc lạm dụng các loại rượu này có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như giảm ham muốn, rối loạn cương dương và nhiều vấn đề sinh lý khác.
Ngoài ra, việc sử dụng rượu thuốc không đúng cách có thể gây ngộ độc, viêm gan, xơ gan, hay tổn thương thần kinh. Một trong những nguyên nhân ngộ độc là do ngâm rượu không đúng tỉ lệ hoặc sử dụng nguyên liệu kém chất lượng. Cần đặc biệt chú ý khi pha chế rượu với huyết động vật như rắn, dê, hay ba ba, vì nếu không qua chế biến đúng cách, loại rượu này có thể gây nguy hiểm do nhiễm trùng, ký sinh trùng hoặc dị ứng.
Để đảm bảo an toàn, khi chế biến rượu thuốc, nên sử dụng bình ngâm làm từ thủy tinh, gốm sứ hoặc thép không gỉ, tránh ánh sáng trực tiếp và bảo quản ở nơi khô ráo, mát mẻ. Điều này sẽ giúp bảo vệ chất lượng rượu và tránh bị ô nhiễm.