Phát hiện khu rừng hóa thạch lâu đời nhất thế giới
Các nhà khoa học vừa tìm thấy dấu tích của khu rừng có niên đại hàng triệu năm, được cho là một trong những 'nhà máy' xử lý khí CO2 đầu tiên trên thế giới.
Hóa thạch của khu rừng từ thời tiền sử được các nhà khoa học tại Đại học Cardiff (Anh) phát hiện gần mỏ đá bỏ hoang ở bang New York, Mỹ.
Theo đó, những cây hóa thạch có niên đại 386 triệu năm tuổi được tìm thấy với nhiều đặc tính khác thường. Chúng có khả năng sinh sản nhưng không sử dụng hạt mà phát triển từ bào tử giống như loại nấm ngày nay.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, khu rừng trên có diện tích khoảng 3 nghìn mét vuông bao gồm 2 loài cây Eospermatopteris và Archaeopteris phát triển vào giữa thời kỳ Devonia. Loài thứ nhất thuộc về lớp đuôi ngựa, loài thứ hai có thân và lá hình dương xỉ.
Đây được xem là một trong những "nhà máy" xử lý CO2 đầu tiên của thế giới, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của khí quyển.
Tuy nhiên, các trận lụt lớn trong lịch sử đã phá hủy khu rừng cổ này. Theo đó, hóa thạch loài cá cũng được tìm thấy trong lớp đất cùng với khu rừng trên.