Phát hiện kim tự tháp cổ xưa nhất thế giới: 'Ẩn mình' ở châu Á chứ không phải ở Ai Cập
Những kim tự tháp ở Ai Cập hóa ra không phải là lâu đời nhất, mà trong một nghiên cứu mới đây, người ta bất ngờ khi phát hiện ra rằng kim tự tháp được xây sớm nhất trên thế giới nằm ở châu Á, lại còn 'ẩn mình' một cách rất bí mật.
Hầu như bất kỳ ai cũng nghĩ đến Ai Cập nếu nhắc đến kim tự tháp, và hẳn cho rằng những kim tự tháp cổ xưa nhất cũng ở đó. Hóa ra không phải.
Và ở Indonesia có một thứ mà người ta tưởng là một ngọn đồi tự nhiên. Nhưng hóa ra cũng không phải.
Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng, kim tự tháp - hay một công trình có hình chóp - do con người xây dựng sớm nhất là ở Indonesia từ 25.000 năm trước. Công trình này được gọi là Gunung Padang, trước đây ai cũng tưởng là một ngọn đồi tự nhiên. Thế nhưng việc nghiên cứu thực địa trong thời gian dài đã tiết lộ rằng nó được con người xây dựng nên.
Nằm ở Quận Cianjur, tỉnh West Java, Gunung Padang - có nghĩa là “Ngọn núi khai sáng” - trông thực sự giống một ngọn đồi. Nó được phủ bởi cây xanh, với 4 mặt dốc, phía trên là đỉnh tròn. Tất nhiên nhìn thì nó cũng giống hình kim tự tháp, nhưng thực tế là có những hình như vậy vẫn được hình thành trong tự nhiên.
Rồi đến năm 2018, các nhà khảo cổ mới lần đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng toàn bộ ngọn đồi có thể là nhân tạo.
Từ 2018 đến nay, họ tiếp tục nghiên cứu và giờ đã viết chi tiết về những tìm hiểu của mình, đưa ra những bằng chứng vững chắc rằng Gunung Padang là kim tự tháp cổ xưa nhất thế giới, nằm ẩn bên trong ngọn đồi. Theo đó, họ đã xác định niên đại của đất hữu cơ từ Gunung Padang bằng carbon phóng xạ và thấy việc xây dựng công trình này bắt đầu từ khoảng 25.000 năm trước.
Bằng nhiều kỹ thuật khác cộng với việc khoan lõi tại 7 điểm khác nhau, các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng kim tự tháp này cao khoảng 20 - 30 mét, được xây dựng thành 4 giai đoạn, kéo dài hàng ngàn năm, phần cuối cùng được xây khoảng giữa năm 2000 đến 1100 trước công nguyên.
Chưa hết, đội ngũ nghiên cứu còn có những bằng chứng về “các căn phòng và khoảng hổng bên trong kim tự tháp”, những chi tiết này sẽ cần được nghiên cứu tiếp trong tương lai. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là kim tự tháp này có vẻ đã bị cố tình vùi lấp đi ở nhiều thời điểm, “có thể để che giấu “thân phận thực sự” của nó, nhằm mục đích bảo tồn”.
Dựa trên những thông tin trên thì kim tự tháp Gunung Padang lâu đời hơn cả những kim tự tháp lâu đời nhất ở Ai Cập (năm 2550 trước công nguyên). Còn kim tự tháp ở Indonesia được xây dựng để làm gì thì cũng chưa ai biết.
Nghiên cứu trên được đăng trên tạp chí Khảo cổ học.
Thục Hân
Theo nhiều nguồn tin