Phát hiện loại ung thư nguy hiểm từ vết lạ trên lưỡi
Sau 3 tháng điều trị nốt sùi vùng miệng bằng nhiều loại thuốc nhưng không đỡ, người đàn ông đi khám ở bệnh viện trung ương, bất ngờ nhận chẩn đoán ung thư giai đoạn xâm nhập.
Người đàn ông 57 tuổi, tiền sử hút thuốc lá hơn 30 năm, đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) khám vì u sùi vùng miệng.
Cách đây 3 tháng, ông thấy có nhiều nốt sùi vùng miệng và đi khám ở bệnh viện tuyến dưới. Sau nhiều đợt điều trị bằng thuốc bôi chống viêm, kháng nấm và thuốc uống (kháng sinh, vitamin), tổn thương không cải thiện.
Bệnh gần đây tiến triển nặng hơn, số lượng tổn thương tăng, kèm loét đầu lưỡi, cảm giác đau và khó chịu rõ rệt, đặc biệt khi ăn uống.
Qua khám lâm sàng, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhận thấy lưỡi bệnh nhân có tổn thương dạng mảng sùi lớn, nổi gồ rõ, bề mặt loét trợt, sần sùi và có màu đỏ hồng xen trắng. Giới hạn tổn thương không rõ ràng, lan rộng ra mặt lưng và bên của lưỡi. Một số vùng có dấu hiệu hoại tử và xơ cứng nền tổn thương.
Sinh thiết tổn thương được chỉ định, kết quả giải phẫu bệnh khẳng định ung thư biểu mô tế bào vảy giai đoạn xâm nhập.
Bác sĩ Nguyễn Hà Anh, Khoa Da liễu, Trung tâm Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngày 19/5 cho biết ung thư khoang miệng là nhóm bệnh lý ác tính xuất hiện tại vùng khoang miệng bao gồm: lưỡi, lợi hàm dưới, niêm mạc má, sàn miệng, lợi hàm trên, khẩu cái và môi. Trong đó ung thư lưỡi là nhóm phổ biến và nguy hiểm nhất.
Nguyên nhân của bệnh chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh đã được xác định như: thuốc lá, rượu, thói quen nhai trầu. Trong những năm gần đây, virus HPV (Human Papillomavirus) đã được xác định là nguyên nhân độc lập gây ra ung thư biểu mô tế bào vảy hầu họng.
Tại phòng khám Da liễu Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mỗi ngày tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám các vấn đề về khoang miệng, không ít trường hợp nhận chẩn đoán ung thư lưỡi.
Phát hiện sớm ung thư khoang miệng có thể thực hiện qua việc thăm khám lâm sàng các tổn thương nghi ngờ. Việc tự theo dõi và nhận biết nguy cơ ung thư khoang miệng là cần thiết. Bác sĩ khuyến cáo khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như loét miệng lâu lành, đau rát kéo dài, mảng trắng - đỏ trên niêm mạc…, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu cần lưu ý
- U nhú màu trắng, thường xuất hiện tại lợi hàm hoặc niêm mạc má, hầu hết không có triệu chứng
- Chấm trắng xuất hiện trên nền niêm mạc bình thường với bề mặt gồ ghề và bờ viền không đều
- Tổn thương niêm mạc gây ra bởi răng giả hoặc bờ răng sắc nhọn, và không lành sau 2 tuần
- Tổn thương dạng cục cứng dưới niêm mạc với bờ viền không rõ, không đau và phát triển to ra từ từ. Niêm mạc trên bề mặt bình thường
- Tổn thương niêm mạc không rõ nguyên nhân, không lành sau 2 tuần
- Tổn thương không lành sau nhổ răng, sưng đỏ, dễ chảy máu khi chạm vào tổn thương
- Một vùng niêm mạc khoang miệng trở nên đỏ và gây đau rát, khó lành
- Xuất hiện đau vùng khoang miệng không rõ nguyên nhân, đau ngày càng trầm trọng hơn.