Phát hiện mới tại Kesariya hé lộ tầng kiến trúc ẩn dưới lòng đất của bảo tháp Phật giáo lớn nhất thế giới
Mới đây, các nhà khảo cổ thuộc Cục Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đã tiến hành một đợt khai quật mới tại di tích Bảo tháp Kesariya, hay còn gọi là Tejpur Deora, tọa lạc tại bang Bihar, Ấn Độ.
Những khám phá mới đã hé lộ một tầng đế bổ sung nằm bên dưới mặt đất hiện tại, cho thấy quy mô thực sự của bảo tháp có thể còn nhiều hơn những gì đã từng biết trước đây.
“Nhiều hố khai quật được tiến hành trên sườn Đông và các tầng hiên của bảo tháp, làm lộ ra các bức tường gạch cổ, hệ thống cống thoát nước và sàn nện đất. Ở phía Tây Bắc của tháp chính, các nhà khảo cổ phát hiện một phần của con đường để kinh hành xung quanh được lát gạch, chạy từ Bắc đến Nam theo hình lưỡi liềm, dù một số đoạn đã bị hư hỏng”, ASI cho biết.
Cách thủ phủ Patna 110km, tháp Kesariya nằm tại huyện East Champaran, trên trục hành hương quan trọng nối liền hai địa danh thiêng liêng: Vaishali và Kushinagar. Theo các tài liệu lịch sử Phật giáo, đây chính là nơi Đức Phật từng dừng chân nghỉ ngơi trong chuyến hành trình cuối cùng từ Vaishali, nơi Ngài thuyết pháp thoại cuối cùng, trước khi nhập Niết-bàn tại Kushinagar.
Khi ấy, dân chúng xứ Licchavi không muốn rời xa Đức Phật, nên đã tiễn đưa Ngài từ Vaishali đến tận nơi này. Đức Phật đã trao lại bát khất thực của mình như một vật lưu niệm và khuyên họ hãy quay trở về. Vì vậy, tháp Kesariya được xem là một bảo tháp loại paribhogika, tức là bảo tháp thờ di vật từng thuộc về Đức Phật.
Kesariya Stupa được cho là do Ashoka Đại đế (trị vì khoảng 268-232 TCN) cho xây dựng nhằm tưởng niệm nơi Đức Phật dừng chân. Với kiến trúc hùng vĩ, bảo tháp hiện có chiều cao 31 mét và đường kính đáy lên tới 122 mét. Theo các tài liệu cổ, trước trận động đất kinh hoàng năm 1934, bảo tháp từng cao đến 37 mét. Thậm chí, vào thời kỳ Phật giáo cực thịnh, nó có thể cao tới 43 mét.

Bảo tháp Kesariya có kiến trúc giống như công trình Borobudur ở Indonesia
Cấu trúc của bảo tháp gồm ít nhất bảy tầng tròn xếp chồng, mỗi tầng đều có các ô thờ (cells) với tượng Phật được tạc trong tư thế thiền định. Trên cùng là một trống trụ hình trụ được xây bằng gạch đặc. ASI cho biết hiện có sáu tầng trên mặt đất, và phát hiện mới cho thấy còn một tầng nữa bị vùi dưới lòng đất, điều này sẽ làm thay đổi cả kích thước được ước tính trước đây.
Một phát hiện thú vị là tại góc Bắc của bảo tháp, người ta tìm thấy phần thân dưới của một tượng Phật bằng thạch cao đặt sát bức tường bên trong. Ở trung tâm một phòng thờ khác cũng tìm thấy một phần tượng Phật tương tự.
Bảo tháp Kesariya mang nhiều nét tương đồng với đại tháp Borobudur ở Indonesia, một công trình Phật giáo nổi tiếng thế giới thế kỷ IX. Cả hai đều được xây theo mô hình mạn-đà-la với các tầng bậc, tượng Phật trong các hốc tường, và đều tọa lạc trên đồi cao.
Theo các ghi chép lịch sử, vào giai đoạn từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII Tây lịch, tháp Kesariya từng có năm tầng đồ sộ, trên đỉnh là một mạn-đà-la vĩ đại, xung quanh là những tượng Phật được chạm khắc một cách sống động. Trong các cuộc khai quật, người ta còn tìm thấy tường của một ngôi chùa nhỏ cao 3 mét và một tượng Phật lớn.
Không chỉ là điểm dừng chân trong hành trình cuối đời của Đức Phật, Kesariya còn là nơi Ngài từng giảng bài pháp nổi tiếng cho dân chúng bộ tộc Kalama. Những bài pháp đó được gọi là Kesaputtiya Sutta, trong đó kinh Kalama (Aṅguttara Nikāya I.188) là một tác phẩm tiêu biểu, nhấn mạnh sự tự do tư duy và trách nhiệm cá nhân trong niềm tin và thực hành tâm linh. Kalama là cư dân của thị trấn Kesaputta, thuộc xứ Kosala cổ đại.
Năm 2003, ông Nitish Kumar, Thủ hiến bang Bihar, đã trực tiếp đến thăm Kesariya Stupa và khởi xướng chương trình phát triển du lịch tại đây. Chính quyền địa phương đã xây dựng nhà khách, nhà hàng, trung tâm thông tin du khách, và cả dự án dựng lại phiên bản mô phỏng các công trình biểu tượng của bang Bihar, bao gồm cả mô hình tháp Kesariya phần bị sụp đổ do động đất.
Ngày nay, Kesariya Stupa không chỉ là minh chứng cho nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng thời cổ đại, mà còn là biểu tượng cho lòng kính ngưỡng Đức Phật của cư dân vùng này qua hàng thiên niên kỷ. Với các phát hiện khảo cổ mới, tấm màn quá khứ đang dần được hé lộ, giúp ta hiểu sâu hơn về di sản vĩ đại này - nơi từng in dấu chân và lời giảng cuối cùng của Bậc Giác ngộ.
Phổ Tịnh tổng hợp, theo Buddhistdoor