Phát hiện mới về hiệu quả của vaccine Covid-19

Nhóm chuyên gia tại Mỹ phát hiện người mắc SARS vào năm 2003 có miễn dịch chống lại nCoV. Thí nghiệm trên chuột cũng cho thấy vaccine Covid-19 có hiệu quả trước nhiều chủng corona.

Nghiên cứu do nhóm chuyên gia Đại học Y khoa Northwestern, Mỹ, công bố trên tạp chí Journal of Clinical Investigation. Bài báo cho thấy vaccine Covid-19 có thể cung cấp khả năng miễn dịch chống lại các chủng virus corona tương tự.

Khả năng chống nhiều chủng virus corona từ vaccine Covid-19

Theo The Jerusalem Post, nghiên cứu phát hiện huyết tương của những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 tạo ra các kháng thể phản ứng chéo, chống lại được cả SARS-CoV-1 và virus corona gây cảm lạnh thông thường (OC43).

Đại dịch SARS-CoV-1 (hay SARS) bắt đầu ở Trung Quốc vào năm 2002, cướp đi mạng sống của tổng cộng 774 bệnh nhân trên toàn cầu. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Mỹ cho thấy cơ thể của các ca nhiễm trước đó có kháng thể chống lại virus khác thuộc họ corona. Ví dụ, một người có khả năng chống lại SARS, họ có thể sẽ được bảo vệ trước SARS-CoV-2 - chủng virus gây bệnh Covid-19.

Điều này được đưa ra sau khi nhóm thử nghiệm trên chuột. Những con chuột được tiêm vaccine SARS-CoV-1 vào năm 2004 cũng tạo ra phản ứng miễn dịch bảo vệ khỏi phơi nhiễm nCoV. Đặc biệt, các tác giả phát hiện những người nhiễm bất kỳ chủng virus corona nào trước đó đều được bảo vệ, chống lại nguy cơ lây nhiễm cùng dòng virus này.

 Nhóm tác giả tại Mỹ phát hiện vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả trên người nhiễm chủng virus tương đồng về cấu trúc di truyền với nCoV. Ảnh: JPost.

Nhóm tác giả tại Mỹ phát hiện vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả trên người nhiễm chủng virus tương đồng về cấu trúc di truyền với nCoV. Ảnh: JPost.

Những con chuột được tiêm vaccine Covid-19, sau đó tiếp xúc virus corona cảm lạnh thông thường (HCoV-OC43). Các chuyên gia nhận thấy mức độ bảo vệ của những con chuột này kém hơn trước HCoV-OC43. Nhóm chuyên gia giải thích lý do là SARS-CoV-2 và SARS-CoV-1 đều giống nhau về mặt di truyền như “anh em họ”. Trong khi đó, virus corona cảm lạnh thông thường có sự khác biệt nên bị giảm sút về hiệu quả của vaccine.

Nhà nghiên cứu Pablo Penaloza-MacMaster, đại diện nhóm tác giả, nhận định kết quả này rất đáng hy vọng, miễn là tiếp xúc virus có cấu trúc di truyền giống hơn 70% so với chủng SARS, các con chuột đều sẽ được bảo vệ. Nếu tiếp xúc họ virus corona khác, vaccine có thể mang lại ít khả năng bảo vệ hơn.

Liệu có vaccine “một cho tất cả”?

Trước nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Y khoa Northwestern, các nhà khoa học Nhật Bản đặt mục tiêu sản xuất một loại vaccine chống lại mọi biến chủng nCoV.

Theo The National News, nó không chỉ ngừa được SARS-CoV-2, mà có tác dụng với mọi chủng virus corona. Điều này xuất phát từ việc một số biến chủng nCoV mới được cảnh báo kháng lại vaccine, khiến hiệu quả của vaccine suy giảm theo thời gian. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Experimental Medicine ngày 8/10.

Đại diện nhóm tác giả cho hay vaccine Covid-19 hiện tại không có khả năng bảo vệ con người khỏi virus mới cùng dòng họ với SARS-CoV-2, thậm chí, ngay cả khi nó biến chủng, hiệu quả của vaccine cũng có thể giảm sút. Vì vậy, họ quyết định thử nghiệm loại vaccine mới có thể cho phép hệ miễn dịch tạo kháng thể trung hòa trên diện rộng.

Các nhà nghiên cứu đã biến đổi gene vùng liên kết thụ thể của protein đột biến SARS-CoV-2, bao phủ vùng đầu trong các phân tử đường bổ sung. Các phân tử đường giúp thúc đẩy sản xuất kháng thể vùng lõi. Khi thử nghiệm trên chuột, tỷ lệ kháng thể nhận biết vùng lõi liên kết thụ thể protein đột biến sản sinh ra cao hơn nhiều. Những kháng thể này có thể vô hiệu hóa sự xâm nhập tế bào của SARS-CoV-2, SARS và 3 virus corona khác từ dơi, tê tê.

 Nhiều nhóm chuyên gia đã tìm cách điều chế một loại vaccine Covid-19 chống mọi chủng virus corona, song, các tác giả của Đại học Y khoa Northwestern khẳng định là không thể. Ảnh: Reuters.

Nhiều nhóm chuyên gia đã tìm cách điều chế một loại vaccine Covid-19 chống mọi chủng virus corona, song, các tác giả của Đại học Y khoa Northwestern khẳng định là không thể. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, đầu tháng 8, nhóm chuyên gia của Trung Quốc và Singapore đã phát hiện một bệnh nhân nhiễm SARS năm 2003 mang kháng thể chống mọi biến chủng nCoV. Theo Scitech Daily, nó được gọi với cái tên S309. Kháng thể này vô hiệu hóa tất cả biến chủng hiện có của SARS-CoV-2, bao gồm những chủng đáng lo ngại mà nhiều chuyên gia trên thế giới từng cảnh báo có thể làm vaccine kém hiệu quả.

Cách đây ít ngày, các nhà khoa học tại Thụy Sĩ vừa khám phá ra loại kháng thể đơn dòng có hiệu quả vô hiệu hóa mọi biến chủng đáng lo ngại của SARS-CoV-2 từ trước tới nay, bao gồm chủng Delta.

Dù kết quả nghiên cứu khá khả quan, nhóm tác giả của Đại học Y khoa Northwestern khẳng định có thể không tồn tại một liều vaccine chống lại tất cả virus corona. Bởi từ thực tế, hiệu quả của vaccine Covid-19 đã suy yếu trước chủng virus cảm lạnh thông thường. Chưa kể, khả năng bảo vệ của vaccine Covid-19 đang có chiều hướng suy giảm theo thời gian.

Theo ông Penaloza-MacMaster, cơ hội của chúng ta là thiết kế vaccine ngăn ngừa được một nhóm virus corona nào đó. Ví dụ, vaccine Sarbecovirus có tác dụng cho SARS, SARS-CoV-2 và các bệnh khác với cấu trúc di truyền tương đồng. Vaccine Embecovirus sẽ hiệu nghiệm với chủng HCoV-OC43, HKU1 gây cảm lạnh thông thường.

TS Penaloza-MacMaster cũng chia sẻ họ đang đo lường thời gian bảo vệ chéo giữa vaccine Covid-19 và các chủng virus corona khác xem nó sẽ kéo dài bao lâu. Cơ sở cho phát hiện này đến từ nghiên cứu về HIV của nhóm tác giả. Ông Penaloza-MacMaster và nhóm tác giả đã tìm hiểu về HIV trong hơn một thập kỷ. Kiến thức về cách virus HIV đột biến đã khiến ông đặt câu hỏi về phản ứng chéo với vaccine Covid-19.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-moi-ve-hieu-qua-cua-vaccine-covid-19-post1271678.html