Phát hiện mới về mối tương quan giữa tốc độ xử lý của não bộ và trí thông minh

Những người thông minh có suy nghĩ nhanh hơn những người khác khi giải quyết vấn đề không? Nhiều người nghĩ là có nhưng một nghiên cứu mới có thể đảo ngược quan điểm này.

Những phát hiện mới của các nhà nghiên cứu từ Dự án nghiên cứu Bộ não con người (HBP) tại Đại học Charité Berlin và Đại học Pompeu Fabra ở Barcelona đã đặt ra câu hỏi về một vấn đề vốn là niềm tin ăn sâu trong lĩnh vực nghiên cứu trí thông minh.

Kết quả nghiên cứu này gần đây đã được công bố trên Tạp chí Nature Communications. Sử dụng phương pháp tiếp cận lấy cảm hứng từ sinh học, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 650 mô hình mạng não bộ được cá nhân hóa (BNM). Chúng được tạo ra bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập từ Dự án Human Connectome và cho phép nhóm mô phỏng các quy trình mà bộ não trải qua trong quá trình giải quyết vấn đề.

Các quan sát từ mô phỏng não bộ được so sánh với dữ liệu thực nghiệm của 650 người tham gia thực hiện Bài kiểm tra lý luận ma trận Penn (PMAT), trong đó gồm một loạt nhiệm vụ trả lời các câu hỏi ngày càng khó. Kết quả, đáp án được định lượng thành trí thông minh linh hoạt (FI) được mô tả đại khái là khả năng đưa ra các quyết định khó khăn hơn trước các tình huống mới.

Petra Ritter của Đại học Charité, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi thấy rằng những người đạt điểm cao hơn về trí thông minh linh hoạt (FI) mất nhiều thời gian hơn để giải quyết các vấn đề khó so với những người có FI thấp hơn”, đồng thời ông giải thích rằng những người FI cao chỉ nhanh hơn khi trả lời những câu hỏi đơn giản.

Phòng thí nghiệm của Ritter và nhiều nhóm nghiên cứu khác tại HBP đã sử dụng mô phỏng não bộ để bổ sung cho dữ liệu quan sát, nhằm phát triển một khung lý thuyết về cách thức hoạt động của não bộ.

Trong trường hợp này, mô phỏng não đã được sử dụng để xác định mối liên hệ giữa kết nối chức năng và cấu trúc trong não cũng như hiệu suất nhận thức. Một bộ não đồng bộ hơn sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn, nhưng không có nghĩa là giải quyết vấn đề nhanh hơn.

Ritter giải thích: “Khi quá trình đồng bộ hóa giảm đi, các mạch thần kinh đưa ra quyết định trong não sẽ đưa ra kết luận nhanh hơn, trong khi sự đồng bộ hóa cao hơn giữa các vùng não cho phép tích hợp suy luận và hoạt động ghi nhớ mạnh mẽ hơn”.

Để dễ hình dung Ritter giải thích thêm: “Theo trực giác, điều này không quá ngạc nhiên: nếu bạn có nhiều thời gian hơn và xem xét nhiều bằng chứng hơn, bạn sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc giải quyết vấn đề và đưa ra các giải pháp tốt hơn. Ở đây, chúng tôi không những chỉ ra điều này theo kinh nghiệm mà còn chứng minh sự khác biệt về hiệu suất quan sát được là hệ quả của các nguyên tắc động trong các mô hình mạng não bộ được cá nhân hóa như thế nào. Do đó, chúng tôi đưa ra bằng chứng mới đi ngược lại quan niệm chung về trí thông minh của con người”.

Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu không phải là tìm hiểu xem bạn nên suy nghĩ nhanh như thế nào mà là để hiểu cách thức các mạng lưới sinh học xác định việc ra quyết định. Trên cơ sở đó sẽ phát triển các công cụ lấy cảm hứng từ sinh học cũng như các ứng dụng rô-bốt. Do đó, mô hình hóa hoạt động não bộ con người trong quá trình ra quyết định thông minh là một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để xây dựng các ứng dụng thông minh.

Ritter nói: “Chúng tôi nghĩ rằng các mô hình thực tế hơn về mặt sinh học có thể tốt hơn A.I. trong tương lai”.

Để cung cấp một cái nhìn đầy đủ hơn về trí thông minh Howard Gardner đã đưa ra một lý thuyết đa trí tuệ (MI). Theo Gardner, có 7 loại trí thông minh:

- Trí thông minh về toán học/logic (mathematical/logical): người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua các lập luận logic, thích toán học, lập trình, chơi xếp hình,…

- Trí thông minh về ngôn ngữ/lời nói (verbal/linguistic): người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua việc nói và viết, thích đọc, chơi ô chữ…

- Trí thông minh về thị giác/không gian (visual/spatial): người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua hình ảnh, đồ vật, sử dụng tốt bản đồ và định hướng tốt trong không gian…

Chúng ta không nên nghĩ rằng trí thông minh này chỉ gắn với thị giác vì Gardner tin rằng đối với các trẻ em khiếm thị thì trí thông minh về không gian này cũng phát triển.

- Trí thông minh về vận động (bodily/kinesthetic): người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua cách vận động và sử dụng động tác, cảm thấy thích thú khi vận động cơ thể, chơi thể thao

- Trí thông minh về âm nhạc/giai điệu (musical/rhythmic): người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua các giai điệu, âm nhạc, thích chơi nhạc cụ, hát, đọc truyền cảm các tác phẩm…

- Trí thông minh hướng ngoại (interpersonal): người sở hữu trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua sử dụng các kỹ năng xã hội, giao tiếp, hợp tác làm việc với người khác, thích gặp gỡ và trò chuyện, có khả năng thông hiểu người khác…

- Trí thông minh hướng nội (intrapersonal): những người sở hữu trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua tình cảm, cảm giác, điều khiển và làm chủ tốt việc học của mình, hiểu rõ các suy nghĩ của bản thân, từ đó có thể hiểu được cảm xúc, tình cảm của người khác…

Các loại trí thông minh

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phat-hien-moi-ve-moi-tuong-quan-giua-toc-do-xu-ly-cua-nao-bo-va-tri-thong-minh-202331.html