Phát hiện mới về virus SARS-CoV-2 trong các nghiên cứu gần đây

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần qua, các chuyên gia đã công bố kết quả một loạt nghiên cứu với những phát hiện mới về virus SARS-CoV-2.

Trong nghiên cứu của cộng đồng bác sĩ và nhà khoa học Weill Cornell Medicine tại New York (Mỹ), do bác sĩ Shuibing Chen đứng đầu, các chuyên gia đã phát hiện rằng khi virus SARS-CoV-2 nhiễm vào các tế bào, chúng không chỉ làm suy yếu hoạt động của tế bào mà cũng có thể thay đổi chức năng của tế bào.

Cụ thể, khi các tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy nhiễm virus SARS-CoV-2, chúng không chỉ sản xuất ra ít insulin hơn bình thường mà còn bắt đầu sản xuất glucose và men tiêu hóa, vốn không phải là chức năng của các tế bào này.

Trưởng nhóm nghiên cứu trên, bác sĩ Shuibing Chen đã trình bày công trình này ngày 28/9 tại hội nghị thường niên trực tuyến của Hiệp hội châu Âu về nghiên cứu bệnh tiểu đường. Bà gọi thực tế trên là "sự thay đổi bản chất của tế bào". Trong một báo cáo trước đó công bố trên Cell Metabolism, các nhà nghiên cứu cho biết hiện chưa rõ liệu các thay đổi này có kéo dài hay không.

Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Chen đã tiến hành thử nghiệm với virus SARS-CoV-2 trong các nhóm các tế bào được thiết kế nhằm tạo ra các tiểu cơ quan (organoids) giống như phổi, gan, ruột, tim và hệ thống thần kinh. Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy tình trạng mất bản chất/chức năng của tế bào cũng có thể xảy ra trong các mô phổi.

Theo bà Chen, một số người bình phục sau khi mắc COVID-19 đã mắc bệnh tiểu đường. Chính vì vậy, bà nhấn mạnh rằng rất cần điều tra tỉ lệ bệnh nhân tiểu đường mới trong đại dịch COVID-19.

Một nghiên cứu khác của Đại học Sao Paulo (Brazil), công bố trên Frontiers in Immunology ngày 28/9, tập trung vào các cặp vợ chồng, trong đó cả hai người đều phơi nhiễm với virus nhưng chỉ có một người nhiễm bệnh. Nghiên cứu này đã giúp làm rõ tại sao một số người có khả năng chống chọi tự nhiên với virus.

Các nhà nghiên cứu cho rằng các trường hợp như vậy rất hiếm nhưng lời kêu gọi các tình nguyện viên có các đặc điểm phù hợp với nghiên cứu trên đã thu hút hàng nghìn cặp vợ chồng. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 86 cặp vợ chồng để phân tích chi tiết.

Kết quả cho thấy các cặp đôi chống chọi tốt thường có các gene góp phần kích hoạt các tế bào tiêu diệt tự nhiên (gọi là tế bào NK), vốn là một phần của phản ứng ban đầu của hệ miễn dịch với mầm bệnh. Khi các tế bào NK được kích hoạt đúng, chúng có thể nhận biết và phá hủy các tế bào nhiễm virus, ngăn chặn bệnh phát triển.

Trong một diễn biến khác, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus dạng uống đang thử nghiệm để chống COVID-19 của hãng Merck & Co, có thể hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta siêu lây nhiễm.

Kết quả trên được các nhà nghiên cứu trình bày tại hội nghị trực tuyến IDWeek 2021 của các tổ chức các bệnh truyền nhiễm ngày 29/9.

Molnupiravir không tấn công protein gai của virus, loại mà các vaccine ngừa COVID-19 hiện nay đều nhắm tới. Thay vào đó, thuốc này tấn công một enzyme mà virus sử dụng để tự sao chép mình.

Thuốc được thiết kế để đưa lỗi vào mã gene của virus. Các dữ liệu cho thấy thuốc hiệu quả nhất khi được kê đơn cho bệnh vào giai đoạn mới nhiễm. Công ty Merck & Co sẽ tiến hành 2 cuộc thử nghiệm lớn giai đoạn cuối, một là khả năng điều trị COVID-19 và hai là khả năng phòng tránh của loại thuốc này.

Các nghiên cứu trên vẫn chưa được chứng thực của giới chuyên môn và cần thêm nhiều nghiên cứu khác để khẳng định. Tuy nhiên, đây là những phát hiện mới, đáng lưu tâm và nên theo dõi về virus SARS-CoV-2.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu những tác động của virus SARS-CoV-2 đối với cơ thể của người bệnh. Những phát hiện ban đầu đang làm dấy lên lo ngại rằng COVID-19 có thể để lại hậu quả lâu dài đối với não bộ con người.

Đây là nội dung bài viết của Phó giáo sư Jessica Bernard, chuyên gia về thần kinh và nhận thức tại Đại học Texas A&M (Mỹ), được đăng tải trên tạp chí The Conversation mới đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, nghiên cứu được thực hiện trên quy mô lớn trong tháng 8 đã cho thấy những kết quả ban đầu về sự thay đổi của não bộ ở các bệnh nhân COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đã dựa trên một cơ sở dữ liệu có tên là UK Biobank, chứa dữ liệu hình ảnh não bộ của hơn 45.000 người ở Anh từ năm 2014. Điều quan trọng ở đây là họ có dữ liệu cơ bản và hình ảnh não được chụp trước khi xảy ra đại dịch.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích cơ sở dữ liệu ban đầu, sau đó chụp lại hình ảnh não bộ của những người mắc COVID-19 và những người chưa mắc, rồi so sánh với nhau. Việc so sánh dựa trên các tiêu chí nhóm tuổi, giới tính, ngày xét nghiệm và địa điểm nghiên cứu, đồng thời tính đến các yếu tố tác động tới bệnh như thể trạng và điều kiện kinh tế xã hội của mỗi cá nhân.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự khác biệt rõ rệt về “chất xám” - các tế bào thần kinh xử lý thông tin trong não - giữa những người từng mắc COVID-19 và những người chưa mắc. Cụ thể, “chất xám” ở thùy trán và thùy thái dương đã bị mỏng đi ở nhóm mắc COVID-19, khác với tình trạng bình thường ở nhóm không mắc COVID-19.

Với người bình thường, sự thay đổi về khối lượng hoặc độ dày của “chất xám” cũng diễn ra theo thời gian khi con người già đi. Nhưng trong nghiên cứu này, sự biến đổi ở những người mắc COVID-19 diễn ra mạnh hơn.

Đáng lưu ý, nhóm nghiên cứu đã tách những bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện thành một nhóm riêng và phát hiện sự thay đổi của “chất xám” cũng tương đương với những bệnh nhân thể nhẹ. Điều này cho thấy người mắc COVID-19 dù nhẹ cũng có biểu hiện não bộ suy giảm về khối lượng.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu những thay đổi về khả năng nhận thức và phát hiện những người đã mắc COVID-19 xử lý thông tin chậm hơn so với những người không mắc bệnh. Mặc dù còn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng, tuy nhiên với số lượng mẫu nghiên cứu lớn, dữ liệu trước và sau khi mắc bệnh của cùng một người và sự so sánh cẩn thận với những người chưa mắc COVID-19 đã khiến nghiên cứu sơ bộ này trở nên đặc biệt có giá trị.

Ở giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, các báo cáo đều cho thấy một trong những thay đổi phổ biến nhất ở các bệnh nhân là mất khứu giác.

Đáng chú ý là các vùng não mà các nhà nghiên cứu phát hiện có tác động bởi COVID-19 đều có liên quan đến “hành khứu giác” - một cấu trúc phía trước não bộ truyền tín hiệu mùi từ mũi đến các vùng não khác.

Hành khứu giác có kết nối với các vùng của thùy thái dương, là nơi đặt vùng “hồi hải mã”. Hồi hải mã có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa, do liên quan đến trí nhớ và các quá trình nhận thức.

Khứu giác cũng rất quan trọng khi nghiên cứu về bệnh Alzheimer. Một số báo cáo cho rằng người có nguy cơ mắc Alzheimer sẽ bị giảm khứu giác.

Mặc dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về tác động lâu dài từ những thay đổi do COVID-19 tạo ra, nhưng việc nghiên cứu các mối liên hệ có thể có giữa tác động này đến trí nhớ là rất quan trọng, đặc biệt là đối với các vùng não bộ liên quan và tầm quan trọng của chúng đối với khả năng ghi nhớ của con người.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/264696/phat-hien-moi-ve-virus-sars-cov-2-trong-cac-nghien-cuu-gan-day.html