Phát hiện một tàu cá 'cõng' 2 thiết bị giám sát của 2 tàu 'ma' trên biển

Một số ngư dân lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không ra khơi mà gửi thiết bị giám sát hành trình cho tàu khác đi biển để nhận hỗ trợ từ cơ quan chức năng.

Ngày 12-5, Đại tá Chu Văn Tấn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Thuận đã ký công văn gửi Bộ Tham mưu BĐBP và UBND tỉnh liên quan một tàu cá tỉnh Ninh Thuận mang hai thiết bị giám sát hành trình của các tàu khác, có dấu hiệu trục lợi tiền chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tàu cá NT-91335TS. Ảnh: NP

Tàu cá NT-91335TS. Ảnh: NP

Theo báo cáo của Trạm Kiểm ngư khu vực Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, lúc 9 giờ ngày 9-5, đơn vị phối hợp với Đồn BP cửa khẩu cảng Phú Quý kiểm tra tàu cá NT-91335-TS, công suất 730 Cv trên vùng biển Phú Quý.

Tàu do ông Lê Văn Cư (44 tuổi, ngụ xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) làm thuyền trưởng, chủ tàu là ông Phạm Đình Đại (ngụ cùng địa phương) đang neo đậu tại tọa độ 10030’490”N - 108058’336”E, cách Bãi Phủ, đảo Phú Quý khoảng 1 hải lý về hướng Đông Bắc.

Qua kiểm tra, đơn vị phát hiện con tàu này đang mang thêm hai thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác, trong đó hai máy đang hoạt động và một máy không sáng đèn.

Trên tàu có hai thiết bị giám sát hành trình của hai tàu khác. Ảnh: NP

Trên tàu có hai thiết bị giám sát hành trình của hai tàu khác. Ảnh: NP

Đặc biệt, trong số giấy tờ mà thuyền trưởng xuất trình có giấy xác nhận tàu khai thác vùng biển xa.

Lực lượng tuần tra nhận thấy có dấu hiệu trục lợi chính sách nên lập biên bản tạm giữ hai thiết bị giám sát hành trình và yêu cầu đưa tàu về cảng Phú Quý để điều tra, xác minh vụ việc.

Bước đầu xác định, tàu này đăng ký năm lao động, được cấp đầy đủ các loại hồ sơ pháp lý và làm thủ tục xuất bến vào ngày 28-4 tại cảng Đông Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận do Đồn BP Phước Dinh ký xuất bến.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra trên phương tiện tàu cá NT-91335-TS chỉ có ba lao động, trong đó một thuyền trưởng và hai thuyền viên không có trong danh sách thuyền viên.

Đối với hai thiết bị giám sát hành trình, thuyền trưởng khai nhận một thiết bị đang hoạt động là thuộc tàu cá NT-90041-TS, công suất 435 Cv, năm lao động, chủ tàu cũng là ông Phạm Đình Đại và làm thủ tục xuất bến ngày 28-4.

Mặc dù tàu không ra khơi nhưng thiết bị giám sát hành trình vẫn sáng đèn đang ở vùng biển xa. Ảnh NP.

Mặc dù tàu không ra khơi nhưng thiết bị giám sát hành trình vẫn sáng đèn đang ở vùng biển xa. Ảnh NP.

Đối với thiết bị không hoạt động là của tàu cá NT-90796-TS, theo lời khai của thuyền trưởng Cư, hiện tàu cá đang sữa chữa trên trại ghe ở xã Duyên Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Đến 8 giờ ngày 10-5, tại khu vực cảng Phú Quý, lực lượng phối hợp tiếp tục tiến hành kiểm tra tàu cá NT-90041-TS. Qua kiểm tra trên tàu cá này, chỉ có một lao động và không có máy thiết bị giám sát hành trình.

Trong danh sách xuất bến, ông Tu Văn Ngọc là thuyền trưởng tàu này nhưng ngày 9-5, ông này lại đang là thuyền viên trên tàu NT-91335-TS.

Đáng chú ý, trong hầm tàu cá NT-90041-TS không có đá để bảo quản hải sản, thậm chí không có định vị và hải trình.

Tàu NT-91335TS đang bị tạm giữ ở cảng Phú Quý. Ảnh: NP

Tàu NT-91335TS đang bị tạm giữ ở cảng Phú Quý. Ảnh: NP

Theo đoàn kiểm tra, tàu cá NT-91335-TS mang hai thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác, thuyền viên trên tàu cá đi không đủ định biên và không đúng người theo danh sách xuất bến nhằm mục đích trục lợi ngân sách Nhà nước.

Hiện Trạm Kiểm ngư, BĐBP và Công an huyện đảo Phú Quý đã lập biên bản vụ việc. Sau đó Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Thuận củng cố hồ sơ, chuyển giao con người, tang vật, phương tiện cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Thuận điều tra, xử lý theo qui định pháp luật.

Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ khai thác các vùng biển xa bờ.

Cụ thể hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về của các tàu hoạt động trên các vùng biển xa tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm và nếu tàu 700Cv trở lên sẽ được hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng/chuyến biển, 400 triệu đồng/năm.

Các cá nhân, hộ gia đình hưởng chính sách này phải đăng ký tàu thường xuyên hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa xác nhận vị trí hoạt động của tàu cá bằng hệ thống giám sát hành trình.

Lợi dụng việc này, nhiều tàu cá không ra khơi nhưng gửi thiết bị cho tàu cá khác ra khơi, họ chỉ cần neo lại rồi bật, tắt thiết bị đánh lừa cơ quan chức năng để các con tàu "ma" trục lợi chính sách, thu lợi bất chính tiền tỷ.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/phat-hien-mot-tau-ca-cong-2-thiet-bi-giam-sat-cua-2-tau-ma-tren-bien-post732979.html