Phát hiện nhiều động vật 'siêu' quý cần được bảo vệ

Những công bố mới của Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế (FFI) về những phát hiện quý giá tại khu rừng của H. Kon Plông (Kon Tum) đã mang giá trị lớn về bảo tồn sinh học. Không chỉ những loài sinh vật nằm trong Sách đỏ thế giới mà nơi đây còn là vùng đất sinh sống của những loài đặc hữu của Việt Nam. Thế nhưng, vấn nạn săn bắn, mua bán động vật hoang dã đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến các loài sinh vật này

Quần thể voọc chà vá chân xám với 500 cá thể mang ý nghĩa quan trọng với thế giới trong bảo vệ nguồn gen của loài này.

Quần thể voọc chà vá chân xám với 500 cá thể mang ý nghĩa quan trọng với thế giới trong bảo vệ nguồn gen của loài này.

Nhức nhối nạn săn bắn

Nằm ở cao nguyên Kon Tum, những cánh rừng ở địa bàn H. Kon Plông ở độ cao từ 1.000 - 1.500m so với mực nước biển và tiếp giáp với nhiều địa bàn các tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Diện tích rừng chiếm khoảng 80% diện tích đất trong huyện và hệ sinh thái rừng khá phong phú, bao gồm rừng thường xanh lá rộng, rừng bán thường xanh và rừng lá rộng hỗn hợp.

Ông Josh Kempinski - đại diện tổ chức FFI chia sẻ: từ năm 2016 đến nay, các đoàn chuyên gia đã tiến hành khảo sát tại rừng Kon Plông cho thấy rừng có giá trị đa dạng sinh học cao. Các chuyến khảo sát đã cho thấy nơi đây tồn tại một quần thể chà vá chân xám rất lớn và mang ý nghĩa quan trọng của toàn cầu với 500 cá thể. Theo các chuyên gia, đây có lẽ là quẩn thể lớn nhất của loài này trong phạm vi phân bố được biết tới. Ngoài ra, FFI cũng phát hiện quần thể của một loài linh trưởng nguy cấp khác là vượn đen má vàng Trung bộ với 125-143 cá thể được ghi nhận.

Cùng với đối tác là Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Vườn thú Leibniz (IZW, CHLB Đức), trong năm 2019, FFI đã hoàn thành chương trình khảo sát bằng bẫy ảnh đầu tiên trên toàn bộ rừng Kon Plông. Với 130 bẫy ảnh đặt ở 120 điểm, nhóm khảo sát đã phát hiện 121 loài động vật có vú và chim, bao gồm cả một số loài đặc hữu và cực kỳ nguy cấp. Trong đó, các chuyên gia đã phát hiện quần thể cầy vằn phân bố khá nhiều ở nơi đây khi loài động vật này được xếp hạng nguy cấp theo Danh lục đỏ IUCN (Sách đỏ thế giới). Phát hiện này đã mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn trên thế giới. Ngoài ra, bẫy ảnh đã phát hiện một số loài chim quý hiếm như khướu Kon Ka Kinh, khướu Ngọc Linh đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN 2020 cũng được phát hiện tại đây, như: gấu ngựa, cu li nhỏ, rái cá vuốt bé, trĩ sao, hồng hoàng, mèo rừng...v.v.

Loài cầy vằn nằm trong loài nguy cấp Sách đỏ thế giới được phát hiện tạinhiều ở khu vực rừng H. Kon Plông. (ảnh FFI)

Loài cầy vằn nằm trong loài nguy cấp Sách đỏ thế giới được phát hiện tạinhiều ở khu vực rừng H. Kon Plông. (ảnh FFI)

Đa dạng, quý hiếm là thế nhưng FFI đã tỏ ra lo ngại khi rừng Kon Plông đang bị đe dọa khi đứng trước nạn săn bắn, mua bán động vật hoang dã trái phép. Bên cạnh đó, rừng nguyên sinh đang bị phân mảnh do mở rộng canh tác nông nghiệp, xây dựng các công trình hạ tầng, đường giao thông, thủy điện, điện gió tác động tiêu cực vào môi trường sống của các loài sinh vật cũng như làm mất diện tích rừng. Nạn phá rừng, khai tác lâm sản trái phép ngày càng gia tăng gần như cấp số nhân khi thống kê cho thấy, năm 2015 có 38 vụ, 2016 có 59 vụ, năm 2017 90 vụ.

Cùng với việc khảo sát, qua điều tra của FFI cho thấy động vật hoang dã bị săn bắn và buôn bán để phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế đang diễn ra nghiêm trọng nơi đây. Kon Tum đang được xem là nguồn cung cấp các loài động vật quý hiếm và nguy cấp đến các vùng khác của Việt Nam. Các sản phẩm từ động vật được chế biến làm thức ăn hoặc làm thuốc. Nghiêm trọng hơn, qua các chuyến khảo sát, các chuyên gia đã phát hiện, tháo gỡ hàng trăm bẫy thú đặt trong rừng. Có thời điểm, chỉ trong 2km đường rừng, họ đã bắt gặp, tháo bỏ hơn hàng trăm bẫy thú rừng. Thậm chí, nhiều chiếc bẫy dính xác của các loài thú nằm trong sách đỏ.

Đủ loại bẫy săn bắt thú rừng trở thành mối đe dọa đến hệ sinh thái đa dạng tại rừng H. Kon Plông.

Đủ loại bẫy săn bắt thú rừng trở thành mối đe dọa đến hệ sinh thái đa dạng tại rừng H. Kon Plông.

Cần thiết lập Khu bảo tồn

84.000 ha rừng tại H. Kon Plông đang được Cty lâm nghiệp Kon Plông và Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Thạch Nham quản lý mang ý nghĩa quan trọng. Những phát hiện mới và việc ghi nhận sự đa dạng sinh học của vùng này cho thấy thực sự cần thiết phải có một dự án bảo tồn khẩn cấp nhằm sớm thiết lập khu bảo tồn tại địa phương này. Bởi vấn nạn săn bắn, tàn phá rừng vẫn đang diễn ra hàng giờ, hàng ngày nơi đây.

Đại diện BQL RPH Thạch Nham cho biết, nhiều cánh rừng có cây cổ thụ đang trở thành "đích nhắm" của các đối tượng lâm tặc. Nhu cầu sử dụng gỗ của xã hội tăng, chưa kể một bộ phận người dân đồng bào DTTS nhận thức thấp đã vào rừng chặt cây lấy gỗ. Trong khi đó, việc tuần tra, xử lý các đối tượng vi phạm còn gặp nhiều khó khăn bởi chúng hoạt động ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Nhiều kiểm lâm viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng đã bị lâm tặc tấn công hoặc gọi điện đe dọa. Chưa kể, diện tích quản lý, bảo vệ rừng nhưng nhân lực ít, chế độ tiền lương thấp khiến nhiều người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng chán nản, xin thôi việc. Chính những điều đó đã khiến rừng đang bị tàn phá. Nhiều cánh rừng phòng hộ khác được giao cho xã quản lý cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng, các đối tượng lâm tặc ngang nhiên đưa cả máy móc vào tận diệt rừng.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, thuộc Chi cục Kiểm lâm vùng IV chia sẻ: Phải bằng mọi giá giữ rừng để cứu lấy các loại động vật, trong đó nhiều loài nằm trong Sách đỏ thế giới và đặc hữu chỉ có ở Việt Nam. Ngoài việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng thì chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất lâm nghiệp. Bởi đây là nguyên nhân làm mất rừng nhanh nhất với quy trình được cho là hợp pháp.

Được biết, năm 2016, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, hoàn thiện hệ thống các Khu bảo tồn thiên nhiên (KBT TN) là Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, KBT TN Ngọc Linh và rừng Đăk Uy. Thế nhưng, UBND tỉnh này chưa đề cập đến việc thành lập KBT TN Đông Trường Sơn ở rừng Kon Plông nhằm bảo vệ hệ sinh thái cùng quần thể các loài chim, thú, linh trưởng quý hiếm, đặc hữu nơi đây.

Hiện, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức FFI, Chi Cục Kiểm lâm vùng IV, BQL RPH Thạch Nham đề nghị UBND tỉnh Kon Tum sớm thành lập mới một KBT TN tại H. Kon Plông với diện tích dự kiến khoảng 40.000 ha. Tiến sĩ Sinh thái học Hà Thăng Long - Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm GreenViet đánh giá: Qua khảo sát của FFI và GreenViet cho thấy nơi đây là "mái nhà chung" của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam với một hệ sinh thái nguyên sinh còn được gìn giữ. Đặc biệt, với quần thể voọc chà vá chân xám rất lớn đến 500 cá thể cùng 61-67 đàn vượn đen má vàng Trung bộ đóng góp quan trọng cho nguồn gen của loài. Nếu không phát hiện, không xây dựng KBT TN chúng ta sẽ đánh mất đi những nguồn gen quý giá. M.T Loài cầy vằn nằm trong loài nguy cấp Sách đỏ thế giới được phát hiện tại nhiều ở khu vực rừng H. Kon Plông. (ảnh FFI) Quần thể voọc chà vá chân xám với 500 cá thể mang ý nghĩa quan trọng với thế giới trong bảo vệ nguồn gen của loài này. Đủ loại bẫy săn bắt thú rừng trở thành mối đe dọa đến hệ sinh thái đa dạng tại rừng H. Kon Plông.

MT

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_228782_phat-hien-nhieu-dong-vat-sieu-quy-can-duoc-bao-ve.aspx